Với phụ huynh, cần tạo mối quan hệ thân thiện, cởi mở. Trường tăng cường tổ chức các hoạt động mở để phụ huynh cùng tham gia, qua đó biết và hiểu hơn công việc của GV từ tiết học mở tiếng Anh cho đến tham dự bữa ăn bán trú và nhiều hoạt động khác để cùng chung sức nuôi dạy các em nên người.•
Làm sao để xây dựng trường học hạnh phúc?
Liên quan đến việc xây dựng trường học hạnh phúc, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia - phân viện tại TP.HCM
Vai trò hiệu trưởng rất quan trọng
. Phóng viên: Để trường học hạnh phúc, hiệu trưởng đóng vai trò như thế nào, thưa bà?
TS Phạm Thị Thúy nói vai trò của hiệu trưởng trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
+ TS Phạm Thị Thúy: Có một câu nói của người xưa rằng “Một người lo bằng một kho người làm”. Trường học hạnh phúc hay không phần lớn phụ thuộc vào nhà lãnh đạo.
Hiệu trưởng giữ vai trò rất quan trọng khi phải có trách nhiệm chính và là người tạo ra cơ hội để nhà trường thay đổi.
. Để trường học hạnh phúc, hiệu trưởng cần làm gì?
+ Đầu tiên, phải bắt đầu từ chính bản thân họ. Nếu hiệu trưởng không hạnh phúc sẽ không thể có trường học hạnh phúc.
Trước khi nói đến các biện pháp cho tổ chức, cho giáo viên (GV), cho học sinh (HS), tôi muốn đề cập đến giải pháp cho hiệu trưởng.
Hiệu trưởng phải khỏe, vui, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết với nhà trường. Họ có tâm huyết muốn xây dựng trường học hạnh phúc. Từ đó, họ sẽ thay đổi cách làm việc, thay đổi cách sắp xếp cuộc sống, kế hoạch chăm sóc bản thân… để đầu tư cho chính họ. Khi họ đến trường với tâm trạng thoải mái, vui vẻ mới lan tỏa được niềm hạnh phúc và niềm vui đến với mọi người.
Tiếp đến, hiệu trưởng phải quan tâm đến người khác, đến các thành viên trong nhà trường. Sự quan tâm của hiệu trưởng rất quan trọng vì nó tạo ra mối quan hệ tích cực giữa hiệu trưởng với GV, nhân viên.
GV, nhân viên cần nhất ở hiệu trưởng là sự lắng nghe. Lắng nghe để tôn trọng những nhu cầu của các thành viên trong trường, từ đó có sự điều chỉnh mọi việc sao cho phù hợp.
Sự tôn trọng, lắng nghe để kết nối với mọi người chính là điều mà nhà quản lý phải làm. Từ đó, hiệu trưởng sẽ có những hoạt động để thay đổi từ những việc nhỏ trong trường như chăm lo nhà vệ sinh sạch sẽ, bữa ăn an toàn, phong phú, đa dạng, thay đổi chế độ chính sách chăm lo cho đời sống của GV, nhân viên, nâng cao chất lượng hiệu quả dạy và học. Hiệu trưởng phải là người công tâm, công bằng và không vụ lợi…
Hạnh phúc là hành trình
. TP.HCM vừa ban hành bộ tiêu chí trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm là làm sao để trường học hạnh phúc đi vào thực tế chứ không phải là khẩu hiệu?
+ Trường học hạnh phúc không phải chỉ đến từ mỗi hiệu trưởng mà cần sự chung sức của nhiều người.
Thứ nhất là hiệu trưởng cùng ban giám hiệu cần phải hạnh phúc như đã nói ở trên. Thứ hai là nhóm GV hạnh phúc luôn đổi mới sáng tạo để lớp học của mình trở nên hạnh phúc. Thứ ba, phụ huynh phải phối hợp với trường để tạo ra gia đình hạnh phúc và có sự hợp tác với nhà trường trong việc dạy con. Đứa trẻ bất ổn trong gia đình thì đến lớp rất khó ổn định về cảm xúc, dễ gây ra bạo lực học đường cho nên phụ huynh cũng phải có trách nhiệm đồng hành cùng nhà trường.
thứ tư chính là HS. Tưởng rằng HS chỉ là đối tượng thụ hưởng nhưng chính các em chủ động làm nên trường học hạnh phúc. Các em yêu mến trường của mình sẽ giữ vệ sinh sạch sẽ, tuân thủ nội quy, đảm bảo nề nếp, chất lượng học của chính mình.
Trường học hạnh phúc sẽ có từ khi chúng ta bắt tay vào cùng xây dựng trường học dựa trên ba giá trị là yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Hạnh phúc là quá trình, là con đường chứ không phải đích đến. Tôi ủng hộ phải có tiêu chí trường học hạnh phúc để đánh giá, để có hướng phấn đấu. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng hạnh phúc phải có mặt trong từng giây phút chúng ta đang làm việc, dạy - học cùng với nhau.
. Xin cảm ơn bà.
NGUYỄN QUYÊN thực hiện
Mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui!
Trường học là chiếc thuyền mang sứ mệnh sư phạm chuyên chở bao nhiêu con người đến bến bờ tri thức.
Theo lý thuyết, trong hoạt động giáo dục chỉ có hai người quan trọng nhất. Một là bộ trưởng, người vạch ra kế hoạch, chính sách, đường lối theo mục tiêu chương trình do Chính phủ ban hành. Hai là hiệu trưởng, hiệu trưởng là người thực hiện, tổ chức dạy và học theo yêu cầu đào tạo con người có tri thức, có đạo đức và có đầy đủ phẩm chất văn hóa trong xã hội văn minh, hiện đại. Tất cả bộ phận khác, các cấp quản lý dưới sự điều hành, chỉ đạo của bộ trưởng giúp hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ.
Hiệu trưởng tốt nghiệp sư phạm, bước vào trường học để làm người thầy. Thầy cũng có bước đi dò dẫm bên cạnh đồng nghiệp để dạy dỗ học trò. Thầy cũng có niềm vui với học sinh (HS) ngoan, học giỏi và nhiều em đùa nghịch, lười biếng. Thầy cũng thao thức soạn từng trang giáo án, tìm phương pháp và cách thức truyền thụ dễ hiểu cho từng bài dạy. Thầy cũng từng gặp cha mẹ các em, cùng chia sẻ mỗi bước tiến bộ, mỗi sự thụt lùi và cùng tìm biện pháp cho con em học tập tốt hơn… Quá trình đó cũng thấm vào đời thầy, từng tháng, từng năm và từng chức vụ mà thầy được tin tưởng cho đến ngày thầy là hiệu trưởng.
Tôi nhớ phòng Giáo dục tiểu học mỗi năm học đều gặp gỡ toàn bộ hiệu trưởng trong TP và luôn nhắc nhở hiệu trưởng mỗi buổi sáng đứng ở cổng trường chào đón thầy cô và HS. Hiệu trưởng trên môi nở nụ cười thân thiện, ánh mắt đầm ấm. Cho dù tình huống nào xảy ra cũng nhẹ nhàng tìm hiểu, giải quyết. Giáo viên có đi trễ phải nghĩ là có bất trắc gì đó thì đến vỗ vai hỏi thăm, an ủi để họ cảm thấy ấm lòng bước vào lớp học, mỉm cười chào học trò của mình. HS không làm bài, nghịch phá không phải là đứa bé hư hỏng mà tâm lý em đang bị chấn động vì nhiều hoàn cảnh khác nhau ở gia đình, với bạn học hay vì lý do nào đó.
Thầy Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6, luôn quan tâm, động viên các em học sinh trong học tập. Ảnh: NGUYỆT NHI
Một lần được đến Thụy Điển thăm trường tiểu học trong dự án quyền trẻ em. HS không ngoan, giáo viên đã hết cách giáo dục thì báo lên hiệu trưởng và HS sẽ được mời lên phòng để hiệu trưởng tiếp HS. Đây là phòng được thiết kế đẹp nhất trường. HS được hiệu trưởng mời ăn kẹo, uống nước ngọt. Hiệu trưởng cùng HS trò chuyện không liên quan gì đến chuyện học tập hay đùa nghịch, hư hỏng, lười biếng. HS cứ thoải mái nói. Hiệu trưởng chú ý lắng nghe. Có thể gặp nhau một lần, nhiều lần cho đến khi hiệu trưởng khám phá nguyên nhân hư hỏng của HS và HS cũng từ từ thay đổi khi trở về lớp phấn khởi, vui vẻ, học tập ngoan hơn. Đây là phương pháp giáo dục tâm lý khoa học sư phạm hay mà tôi đã được học. Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ chứ không phải trách móc, quở phạt để làm chuyển biến thái độ của HS.
Hiệu trưởng phải là người có trí tuệ, mô phạm, nhân hậu. Bên cạnh một cái đầu sáng suốt, bản lĩnh còn phải có trái tim biết rung cảm theo nhịp đập của thầy và trò.
Hiệu trưởng còn là một nhà ngoại giao. Những vị nhân hào, các vị lão thành hưu trí là nguồn kinh nghiệm to lớn sẽ giúp rất nhiều cho giáo dục cả tinh thần, tri thức và vật chất. Tạo được mối quan hệ gắn bó, tình cảm với họ sẽ là một nguồn lực đóng góp cho việc giáo dục HS.
Có dịp đến Thái Lan, thăm các trường tiểu học ở vùng quê Chiang Mai, được biết ngôi chùa ở khu vực của trường học đóng góp rất lớn trong việc giáo dục văn hóa, đạo đức cho HS. Đặc biệt vị sư trưởng có uy tín, được người dân nể trọng và người hiệu trưởng đến nhận chức vụ tại trường luôn đến chùa để nhận ân phúc và xin được cùng hợp tác dạy dỗ HS.
Trường học hạnh phúc không phải là khẩu hiệu, là phong trào để tổ chức hoạt động và đánh giá tổng kết.
Trường học hạnh phúc là ngôi nhà tri thức đầy tình thương và ấm áp mà trước hết lan tỏa từ người hiệu trưởng đến thầy cô và HS. Không nhất thiết phải là ngôi trường to lớn mới có được hạnh phúc, mà hạnh phúc có mặt mỗi ngày khi thầy trò cảm nhận niềm vui khi đến trường. Mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui!
ThS LÊ NGỌC ĐIỆP, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM