Tại huyện Châu Thành, ông Trương Quốc Điền, Chủ tịch UBND huyện cho biết sau khi kết thúc năm học 2022 - 2023, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với Ban Quản lý dự án huyện cùng các ngành có liên quan tiến hành khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị các điểm trường để làm cơ sở bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bổ sung thêm trang thiết bị. Nhiều công trình được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới để sớm hoàn thành, phục vụ nhu cầu giảng dạy năm học 2023 - 2024.
Trường Tiểu học Thuận Hưng A, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng). |
Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số trường được đầu tư mở rộng, nâng cấp, mua sắm, sửa chữa là 18, với tổng kinh phí trên 55 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND huyện, Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường, bằng nguồn kinh phí tự chủ kết hợp với nguồn vận động xã hội hóa tiến hành sửa chữa nhỏ, làm thêm đồ dùng, đồ chơi, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học nhằm đảm bảo tốt công tác giảng dạy.
Trường Mẫu giáo An Hiệp (Châu Thành), với nguồn kinh phí huyện đầu tư đã xây dựng mới 1 sân khấu ngoài trời với diện tích hơn 200m2, có mái che và khoảng 300 chỗ ngồi. Cùng đó, trường nâng cấp, sửa chữa, thiết kế lại 3 phòng học để đáp ứng nhu cầu giảng dạy môn Ngoại ngữ, Tin học, thư viện với các khu tài liệu, đọc sách dành cho học sinh, giáo viên… đạt chuẩn theo quy định. Các công trình này hoàn thành, không chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới mà còn đảm bảo điều kiện để trường được tái công nhận và nâng từ chuẩn quốc gia mức độ 1 lên mức độ 2.
Cô Nguyễn Thị Huế Phương, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo An Hiệp chia sẻ: “Những năm trước, không có sân khấu nên mỗi khi có hoạt động ngoài trời hay sự kiện trường phải tận dụng hành lang, thuê thêm rạp có mái che để tổ chức. Năm học này, trường được đầu tư xây dựng sân khấu quy mô lớn, thiết kế họa tiết phù hợp. Cùng đó, sửa chữa phòng làm thư viện đúng chuẩn… Các hoạt động giáo dục sẽ tiện lợi và hiệu quả hơn rất nhiều”.
Trường Tiểu học Thị trấn Châu Thành A (huyện Châu Thành) vừa xây thêm 24 phòng. Trong đó, 12 phòng được bố trí làm phòng chức năng, khu triển khai thí điểm mô hình bán trú cấp tiểu học; còn lại 12 phòng cùng dãy phòng học cũ, trường bố trí, sắp xếp lại để đảm bảo 20 phòng dạy học và khu vực dành cho công tác quản lý. Sau khi được mở rộng, xây mới, trường không chỉ đảm bảo 100% khối lớp học 2 buổi/ngày mà còn có thể triển khai thí điểm mô hình bán trú cấp tiểu học đầu tiên của huyện.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học 2023 - 2024, huyện Châu Thành đã dành nguồn kinh phí hơn 60 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho 18 điểm trường. Trong đó, 16 tỷ đồng sửa chữa, mua sắm bàn ghế cho 14 trường, còn lại đầu tư mở rộng, xây dựng mới phòng học ở 4 điểm trường. Sự đầu tư hướng đến đảm bảo giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chuẩn bị cho công tác tái công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm học mới.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành cho biết: Toàn huyện có 36/37 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 97,3%. Trong đó 4 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tỷ lệ 10,81%. Theo kế hoạch, năm học 2023 - 2024 huyện sẽ có thêm 2 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia Mức độ 2.