“Nhờ sự chủ động trong chuẩn bị, ứng phó sớm trước tác động khô hạn và xâm nhập mặn, đến nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho các cơ sở giáo dục; việc giảng dạy của thầy cô và học tập của học sinh mùa hạn hán và xâm nhập mặn vẫn diễn ra bình thường”, ông Huỳnh Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết.
Từng xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn nước sinh hoạt trong mùa khô hạn lịch sử (năm 2019 - 2020), thế nhưng nhờ sự chủ động nguồn nước trong mùa khô hạn năm nay nên các xã đảo tại huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) vẫn đảm bảo nguồn nước sinh hoạt.
Ông Võ Hồng Phú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kiên Hải cho biết: “Địa phương đã chủ động nguồn nước ngọt từ việc khoan giếng để đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân huyện đảo. Đến nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân và các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện được cung cấp đầy đủ, ổn định, không bị nhiễm mặn. Hoạt động học tập và sinh hoạt của khoảng 3.600 học sinh và giáo viên tại các cơ sở giáo dục huyện đảo Kiên Hải được đảm bảo”.
Tại Bến Tre, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, ngành Giáo dục thì các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành hỗ trợ hệ thống lọc nước, xử lý nước. Vừa qua, huyện nhận được hệ thống máy lọc và bồn chứa nước sạch, với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Công ty Cổ phần KB Fina trao tặng. Hệ thống máy lọc nước và các bồn chứa nước sạch đem lại nước sạch cho gần 1.700 học sinh tại 4 trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện.
Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) là địa phương đầu tiên tại ĐBSCL công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024. Theo ông Phạm Minh Tâm - Trưởng phòng GD&ĐT tạo huyện Tân Phú Đông, các trường học trên địa bàn hiện tại vẫn đảm bảo nguồn nước sạch.
Nhiều trường có sự chuẩn bị từ trước như trữ nước, tận dụng hệ thống ao, hồ chứa nước… Đối với học sinh, gia đình thiếu nước ngọt hiện có các vòi nước công cộng cung cấp lấy nước về sử dụng. Bên cạnh đó, các mạnh thường quân cũng tăng cường hỗ trợ nguồn nước ngọt cho người dân địa phương…
Tại Bến Tre, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Đặc biệt ở vùng cửa sông, bãi ngang, ven biển hạn mặn càng khắc nghiệt, nhất là tình trạng thiếu nước sạch. Ở huyện Thạnh Phú - huyện ven biển, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cơ sở hạ tầng, đường sá, trường học nhỏ lẻ, việc đầu tư chưa đồng bộ.
Huyện có 8 xã thuộc vùng bãi ngang ven biển; 55 trường học các cấp với 60 điểm trường lẻ. Nguồn nước sạch sinh hoạt phục vụ các trường học và người dân của huyện gặp nhiều khó khăn, cung cấp hạn chế, nhất là vào mùa khô.