Dạy học 2 buổi/ngày không thu phí là mục tiêu cần hướng tới nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Cô Lê Thị Trang, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS và THPT Trưng Vương (Vĩnh Long) cho rằng, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ đem lại nhiều cơ hội và tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục trung học nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh, không chỉ kiến thức mà còn các kỹ năng mềm.
Tuy nhiên, từ thực tiễn của nhà trường, hiện nay việc tổ chức dạy 2 buổi/ ngày cũng sẽ gặp không ít khó khăn.
Về cơ sở vật chất, trường còn thiếu phòng học. Với 2 cấp (THCS và THPT), số phòng học của trường hiện là 20 phòng, số lớp hàng năm dao động từ 30 đến 32, do đó mỗi phòng có 2 lớp khối sáng - chiều sử dụng.
Ở buổi thứ 2, nhà trường thường bố trí thời khóa biểu cho các môn học thiên về năng khiếu như Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm; hoặc các môn học sử dụng phòng bộ môn như Tin học, hay tổ chức sinh hoạt các Câu lạc bộ năng khiếu. Số tiết tối đa của buổi thứ 2 là từ 2 đến 3 tiết/buổi.
Về đội ngũ, đa số giáo viên của trường năm học 2024 - 2025 đều cơ bản đảm bảo số tiết chuẩn theo quy định định mức tiết dạy trong 1 năm học (giáo viên THCS là 705 tiết, giáo viên THPT 629 tiết), có trường hợp phát sinh giờ thừa. Do đó, việc bố trí dạy buổi 2/ngày cũng chủ yếu là thực hiện các tiết học văn hóa theo khung chương trình đã được Bộ GD&ĐT quy định.
Về phía học sinh, trường đóng trên địa bàn thành phố, nhưng thuộc vùng ven, nhiều học sinh nhà ở xa trường, cách sông, đi lại rất khó khăn. Những ngày học 2 buổi hầu hết các em đều ở lại trường, nên việc sắp xếp bố trí chỗ nghỉ trưa cho học sinh cũng là vấn đề nan giải.
Từ thực tiễn cơ sở, ông Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho rằng, dạy học 2 buổi/ngày sẽ giúp học sinh có thêm thời gian để học các môn chính, học tăng cường, thực hành, ôn tập hoặc tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Đồng thời, nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bởi có thời gian lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, thể chất, nghệ thuật, ngoại ngữ. Học sinh có thể hoàn thành việc học trong ngày, giảm thời gian phải học, làm bài tập vào buổi tối, giúp các em giảm áp lực, có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi.
“Triển khai dạy học 2 buổi/ngày, thuận lợi của nhà trường là được chủ động xây dựng kế hoạch, linh hoạt trong sắp xếp thời khóa biểu và nội dung giảng dạy. Nhiều phụ huynh ủng hộ, đồng thuận vì yên tâm con được quản lý, học tập tại trường cả ngày.
Tuy nhiên, khó khăn là thiếu phòng học và cơ sở vật chất. Nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu về phòng học, nhà vệ sinh, khu bán trú, chỗ nghỉ trưa…; quỹ đất xây phòng học không có. Triển khai dạy 2 buổi, giáo viên phải dạy cả ngày, ít thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị bài giảng nên cũng gia tăng áp lực”, ông Nguyễn Mai Trọng chia sẻ.
Để tổ chức việc dạy học 2 buổi/ngày hiệu quả, cô Lê Thị Trang cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, nhằm thống nhất, đồng bộ về cách thức tổ chức, nội dung chương trình học tập... Hiện nay, thực hiện theo Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học là không còn phù hợp.
Cùng với đó, cần xác định rõ mục tiêu và nội dung của buổi học thứ hai, tránh tình trạng xem buổi thứ 2 là tiết học tăng cường và chỉ tập trung vào dạy, rèn kiến thức văn hóa thì chương trình vẫn sẽ thiếu hiệu quả.
Các cơ sở giáo dục cần được giao quyền chủ động trong xây dựng chương trình dạy học buổi 2 trên cơ sở phù hợp với kế hoạch dạy học và giáo dục của nhà trường, sao cho đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyên môn; được Sở GD&ĐT phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
Cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí chi trả việc tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày; đảm bảo quyền lợi của giáo viên (thu nhập, chế độ, đãi ngộ) sẽ tăng lên tương ứng cùng khối lượng công việc trong điều kiện tổ chức hoạt động dạy học 2 buổi/ngày không thu phí học sinh.
Cùng với đó, tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện đạt chuẩn, sân chơi bãi tập…đảm bảo đáp ứng cơ bản phòng học cũng như các điều kiện thiết yếu khác
“Đặc biệt hiện nay, với quy định mới về dạy thêm, học thêm và Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định về định mức tiết dạy đối với giáo viên phổ thông, các cơ sở giáo dục đủ điều kiện triển khai dạy học 2 buổi/ngày rất cần hướng dẫn cụ thể, thống nhất, đồng bộ về cách thức tổ chức từ Bộ GD&ĐT để tránh tình trạng mỗi nơi triển khai một kiểu”, cô Lê Thị Trang đề xuất thêm.
Tại Thông báo kết luận số 177-TB/VPTW ngày 25/4/2025, Tổng Bí thư thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tuỳ theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên; có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hoá. Việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hoá, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.