Trường kinh tế mở ngành công nghệ: Xu thế hay chạy đua tuyển sinh?

Hà Cường/VTC News, | 25/01/2024, 09:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mùa tuyển sinh 2024 chứng kiến sự thay đổi xu hướng đào tạo của một số trường top đầu khối kinh tế khi mở thêm ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính.

Trường kinh tế mở ngành công nghệ: Xu thế hay chạy đua tuyển sinh? - Ảnh 2.

Chuyên gia khuyên thí sinh tìm hiểu kỹ thông tin trước đi đăng ký, lựa chọn nguyện vọng. (Ảnh minh hoạ)

Băn khoăn chất lượng đào tạo?

Đây không phải năm đầu tiên hiện tượng các trường chuyên sâu khối ngành kinh tế mở đào tạo ngành công nghệ, ngành học mới. Từ năm 2020, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) đã mở ngành mới "Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh".

Năm 2021, Học viện Ngân hàng mở mới và tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin. Năm 2023, Đại học Kinh tế TP.HCM mở loạt ngành mới, trong đó có một số ngành Công nghệ như Eobot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ logistics.

Ngược lại, nhiều trường đại học ở khối kỹ thuật cũng tuyển sinh các ngành khối kinh tế như: Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo Quản trị Kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán; trường Đại học Thủy lợi đào tạo Luật, Ngôn ngữ.

Theo một số chuyên gia, đại học đào tạo đa ngành là xu hướng chung của thế giới, phù hợp với xu thế đào tạo liên ngành. Ở Việt Nam, việc đại học phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực là tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững. Tuy vậy, nếu nếu vội vàng, chạy theo trào lưu mà không có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là chất lượng đào tạo.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, để xây dựng được một ngành không phải là chuyện đơn giản, bởi không chỉ là đủ điều kiện về mặt con người về nhân lực. Đây mới chỉ là điều kiện tối thiểu.

Xây dựng một ngành đòi hỏi sự công phu, đó là xây dựng đội ngũ, xây dựng phải gắn với định hướng nghiên cứu và có chiến lược phát triển của nhà trường.

"Quan điểm của tôi là nhà trường phải xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng và có lộ trình xây dựng phát triển đội ngũ, các hướng nghiên cứu cũng như các điều kiện cơ sở đảm bảo chất lượng, hoạch định ngành nghề trong tương lai thì mới mở, không nên mở tràn lan vô tội vạ", ông Nguyễn Đình Đức nêu.

Hiệu trưởng một trường đại học ở Hà Nội cũng cho hay, việc đào tạo đa ngành là tất yếu. Tuy nhiên, điều quan trọng khi mở ngành mới là đánh giá đúng nhu cầu và tiềm năng thị trường. Nếu chạy theo số đông mà cung cấp thừa nhân lực sẽ rất lãng phí. Đại học Việt Nam có nhiều bài học về việc này, chẳng hạn ngành tài chính ngân hàng.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM, việc mở ngành theo trào lưu, đặt tên ngành theo "trend" thực chất là hình thức quảng bá và thí sinh cần phải tìm hiểu kỹ.

Có những trường mở ngành mới, tên mới, chẳng hạn thiết kế vi mạch, nhưng chương trình đào tạo không khác mấy so với ngành đã có. Đó chỉ là sự thay đổi tên gọi, thêm vào tên gọi vài chữ nên nó mang tính hình thức nhiều hơn, không thay đổi bản chất.

Điều này khác hoàn toàn với việc mở ngành mới với chương trình đào tạo được thiết kế mới. Do đó thí sinh cần tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo của các trường để chọn ngành đúng với nguyện vọng.

Các chuyên gia cho rằng, dù hầu hết trường đại học đã thực hiện tự chủ, được tự mở ngành theo quy định, nhưng Bộ GD&ĐT nên có quy hoạch phát triển các ngành nghề đào tạo phù hợp cho từng giai đoạn, tránh để việc mở ngành tràn lan, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, mất cân đối cơ cấu ngành nghề, nhân lực trong tương lai.

Theo VTC News
https://vtc.vn/truong-kinh-te-mo-nganh-cong-nghe-xu-the-hay-chay-dua-tuyen-sinh-ar849516.html
Copy Link
https://vtc.vn/truong-kinh-te-mo-nganh-cong-nghe-xu-the-hay-chay-dua-tuyen-sinh-ar849516.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường kinh tế mở ngành công nghệ: Xu thế hay chạy đua tuyển sinh?