***
“Hây dô…”.
“Hây dô…”.
Nằm trên chiếc ghế tre trong nhà, thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy tiếng hò như thế vọng từ núi. Một tiếng hò dài liên tiếp vang lên trong rừng. Nhiều người làm việc trên những ngọn núi khác cũng nghe thấy và đáp lại to hơn. Âm thanh này vang vọng, vang vọng vào trái tim mọi người, vào căn nhà gỗ nhỏ, vào trái tim tôi, trở thành thứ âm thanh đẹp nhất mà tôi không thể nghe được ở thị trấn.
Ông ngoại nói, đối với người lao động, việc hò hét này còn thú vị hơn uống ba bát rượu ngô, nếu mọi người cứ hò hét qua lại thì làm việc sẽ không mệt mỏi! Bởi vì, kiểu hò hét này giống như lời chào hỏi thân mật, sự giao tiếp chân thành và sức mạnh lao động được bộc phát! Lúc còn nhỏ, tôi đã nghe đoạn đối thoại đặc biệt này hàng ngày, rất thân mật, rất sảng khoái, nghe mãi không chán.
Khi lớn lên, tôi nhận ra rằng đó là âm thanh quê hương, là tình yêu quê hương và là sợi dây ràng buộc không bao giờ đứt của cuộc đời tôi! Sau này, phải đi học, làm việc, kết hôn ở nơi khác, không thể không rời khỏi căn nhà gỗ nhỏ, tôi không còn được nghe thấy tiếng hò hét như thế nữa. Tất cả những gì còn lại trong tôi chỉ là nỗi lo lắng mơ hồ sau một ngày bận rộn.
Hôm nay, nhiều năm sau, mỗi lần nhớ lại, dường như tôi vẫn đang nằm trong căn nhà gỗ nhỏ, nghe qua vách ngăn tiếng hò hét hùng tráng của núi rừng, cũng như tiếng gió, tiếng mưa, tiếng gà gáy, tiếng chim hót, tiếng chó sủa, tiếng lá rừng xào xạc, tiếng gọi từ những người thân yêu... Những âm thanh đó dần dần khiến căn nhà gỗ trở nên rõ ràng hơn trong bức tranh mờ sương của tôi, chiếm lấy đôi mắt, tâm trí và chiếm giữ cả thế giới của tôi.
***
Minh họa/INT |
“Leng keng”, chiếc chậu gỗ quay trên mặt đất vài vòng rồi dừng lại.
Có tiếng nước bắn tung tóe, đây là tiếng bà ngoại đang đổ nước vào chậu gỗ. Rồi tiếng chẻ củi, tiếng nồi sắt va chạm, tiếng dao… thôi thúc tôi tưởng tượng làn khói bốc ra cùng những củ khoai tây trắng cạnh bếp lửa… Lúc này, bà ngoại mở cửa ra trìu mến gọi: “Con ngoan của bà, dậy ăn cơm nào! Bà để quần áo lên ghế cạnh giường, con mặc xong thì ra ngoài…”.
Dưới sự thúc giục liên tục đó, tôi uể oải mặc quần áo, mở cửa đi ra. Lại một tiếng “ầm ầm”, ánh nắng từ ngoài cửa chiếu vào, xuyên qua ngưỡng cửa cao, chiếu sáng rực rỡ bàn ghế trong đại sảnh.
Tôi nhắm mắt bước đến phòng bếp, nhìn chậu rửa mặt bốc khói trên bệ gỗ, cơm trắng thơm phức trên bàn ăn, những lát thịt xông khói thơm ngon, khoai tây cắt sợi vàng ươm, tỏi ngâm ớt và món bánh bao đặc trưng của dân làng với những bát men ngọc và bát gỗ nhỏ được sắp xếp ngay ngắn… Tôi như được bước vào cung điện do Andersen viết, nhìn thấy công chúa sống trong cung điện cùng hai người thân yêu thương cô ấy nhất trên đời - ông bà ngoại.
“Ông à, xu dọn rồi ăn cơm thôi nào!”. Bà ngoại từ trên đỉnh đồi gọi lớn. Một lúc sau, ông bà cùng nhau về.
Ông ngoại về đến nhà, rửa tay, cong ngón trỏ nhẹ nhàng nhéo sống mũi tôi vài cái rồi cười nói: “Nào, ăn đi con!”. Ông bế tôi lên chiếc ghế cao nhất, bà gắp từng miếng mỏng thịt xông khói cho tôi, miếng to hơn chút cho ông, rồi mọi người mỉm cười hiểu ý. Cuộc sống gia đình hạnh phúc trong căn nhà nhỏ lại bắt đầu.
***
Minh họa/INT |
Thời tiết đẹp, người lớn lại tất bật lên núi làm việc đồng áng, bỏ lại một nhóm trẻ con nghịch ngợm ở lại trông nhà. Nhà bà ngoại tôi có hàng rào lớn và nhiều rừng cây, bọn trẻ con trong làng thường qua chơi. Chỉ mấy hôm, chúng đã trở thành bạn thân nhất của tôi khi về quê.
Khi chúng tôi cảm thấy nhàm chán với những niềm vui thường ngày của tuổi thơ, căn nhà gỗ nhỏ lại nở một nụ cười duyên dáng. Chúng tôi bắt đầu nghịch ngợm, dũng cảm quậy tung căn nhà - cưỡi trên cối xay gió, lắc mạnh và hét lên: “Ngựa, chạy đi!”; leo lên gác mái, tìm kiếm kho báu trong đống sắt vụn; leo lên cầu thang, thi đấu bằng cách ăn những quả ớt đỏ treo trên xà và làm vương vãi khắp sàn nhà...
Trong hành trình khám phá căn nhà, có lần tôi ngã khi trèo lên gác mái, có lần bị thương bởi những “báu vật” không tên trên đó, có lần bị ớt cay kích thích quá mức khiến miệng và lưỡi sưng tấy, đau nhức nhiều ngày... Dù vậy, căn nhà vẫn như cục nam châm với từ trường lớn, đặc biệt thu hút sự tò mò của tôi.
Căn nhà có nhiều thứ hơn những gì tôi thấy. Bà ngoại như có phép thuật, bà luôn gợi ra rất nhiều món ngon từ trong căn nhà, chẳng hạn như hạt dẻ, rễ rêu gai, quả hồ đào, khế dại... Có quá nhiều những thứ lưu giữ niềm vui tuổi thơ này.
Bà luôn mang chúng đến cho tôi và những người bạn nhỏ từ căn nhà gỗ kỳ diệu, khiến chúng tôi vừa vui mừng, vừa ngạc nhiên. Khi phấn khích, tôi sẽ hào phóng đưa quả to nhất cho bà đang mỉm cười, rồi bà mở miệng giả vờ cắn vài miếng, nhai giả vờ, vui vẻ nói: “Ngon quá, con thật ngoan, thật biết thương ngoại”.
Tiếng cười ấm áp lan tỏa khắp căn nhà gỗ thân thương!
Hạ An (Dịch từ tiếng Trung)