- Ai là người nhà bệnh nhân?
- Dạ cháu ạ - Hà đứng bật dậy, vẻ sốt ruột - Bố cháu có làm sao không, bố cháu có phải nằm viện không bác sĩ?
- À, bố cháu bị viêm phổi rất nặng, phải nằm điều trị lâu ngày, cháu sang phòng thu viện phí làm thủ tục nhập viện và nộp tiền tạm ứng cho bố nhé.
- Dạ... thưa bác sĩ, bác sĩ cứ cho bố cháu nằm điều trị, cháu xin khất vài bữa nữa sẽ nộp ạ.
- Không được, việc này bác không quyết định được cháu ạ.
- Bác sĩ ơi, bác thương bố con cháu, mẹ cháu mất sớm, bố cháu ốm không đi làm được nên không có tiền… bác thương bố cháu, cháu đi bán hàng vài hôm sẽ nộp cho bác…
- Thôi được, để bác nói với giám đốc bệnh viện xem có được không đã. - Nói rồi ông bác sĩ đi đâu một hồi lâu mới quay trở lại với vẻ mặt rạng rỡ và đôn hậu: “Bác giám đốc đồng ý rồi cháu nhé, nhưng cháu phải lo nộp chậm nhất là vào chiều thứ Sáu đấy!”. Con bé thở phào nhưng trong lòng vẫn ngổn ngang nỗi lo âu. Phần vì lo cho bệnh tật của bố, phần vì lo làm thế nào để có tiền đóng viện phí cho bố… Lại còn tiền của bác hàng gạo nữa... Đầu óc nó quay cuồng…
Đã suốt mấy ngày bươn chải mà số tiền lãi Hà bỏ ra mới được mấy chục nghìn đồng. Nó cầm số tiền ít ỏi lo lắng đi thẳng vào bệnh viện.
Ảnh minh họa ITN. |
Buổi trưa, bệnh viện vắng lặng. Kìa, có túi gì vuông vắn nằm giữa sân thế kia? Hà chạy lại ôm lấy cái bọc rồi hấp tấp mở ra xem. Trời ơi tiền! Bao nhiêu là tiền vẫn còn mới nguyên được bó thành từng tập.
Nó nghĩ: “Trời phù hộ nhà mình rồi, mình sẽ có tiền để chữa bệnh cho bố và mình sẽ không phải đi bán bánh mì nữa mà sẽ đi học trở lại…”, “Nhưng ai mà có nhiều tiền làm rơi thế nhỉ! Mình bán bánh mì mỗi hôm cũng chỉ được hơn chục nghìn tiền lãi là nhiều. Số tiền này chắc người ta phải làm đến mấy năm mới có được… Ai bị rơi, chắc giờ đang tiếc đến đứt ruột…”.
Hà suy nghĩ miên man, hết nhìn bọc tiền rồi lại nhìn quanh sân bệnh viện, cuối cùng nó quyết định ôm bọc tiền đi thẳng vào phòng Giám đốc bệnh viện.
- Thưa bác sĩ…
- À cô bé, đến nộp tiền viện phí cho bố phải không?
- Không ạ, cháu…
- Sao, bác hạn cho cháu hôm nay mà?
- Dạ, thưa bác sĩ, cháu vừa nhặt được số tiền này ở sân bệnh viện, cháu nhờ bác tìm người đánh rơi để trả hộ ạ.
- Trời, 11 triệu đồng, số tiền quá lớn, ai đánh rơi thế nhỉ?
Trong lúc bác Giám đốc bệnh viện đang ngạc nhiên thì một phụ nữ xuất hiện, vẻ mặt tái mét, miệng lắp bắp từng tiếng.
- Thưa… thưa anh… em…
- Kìa cô Lan, có chuyện gì thế?
- Em… em làm mất hết rồi…
- Sao, mất cái gì? Cô bình tĩnh nói tôi nghe xem nào!
- Dạ… em đánh rơi hết số tiền lương tháng này của cơ quan rồi, 11 triệu đồng tiền lương của bệnh viện… Anh ơi… em chết mất…
- Thế làm sao mà mất, mất ở đâu, cô cứ bình tĩnh kể tôi nghe xem nào?
- Em không biết! 11 triệu em vừa lĩnh ở kho bạc về, bọc trong cái túi vải...
- Cô bình tĩnh lại nào! Nếu quả thật như vậy thì cô phải gọi cháu bé này là ân nhân đấy, nếu không có cháu gái đây thì số tiền ấy đã “đi tong” rồi! Đây, túi tiền của cô đây, đúng không? Vẫn còn nguyên đấy!
- Dạ đúng rồi, ôi, ơn trời đã phù hộ...
- Không phải ơn trời, hãy ơn cháu gái đây này...
Sau khi nghe Giám đốc bệnh viện kể lại đầu đuôi sự tình câu chuyện, cô Lan rút ra năm trăm nghìn đồng đưa cho Hà và nói:
- May quá, không có cháu thì cô biết lấy gì đền lương cho các bác, các cô trong viện. Đây là toàn bộ tiền lương tháng này của cô, cô biếu cháu gọi là tỏ lòng biết ơn đối với cháu.
- Thưa cô, cháu không dám nhận đâu ạ.
- Kìa cháu, cháu nhận đi cho cô vui... Không có cháu thì cô không biết lấy gì đền lương cho bệnh viện!
- Thưa cô, cháu cảm ơn cô nhưng cháu không nhận đâu vì cả tháng đi làm cô được ngần ấy tiền mà cô cho cháu hết thì cô nuôi con bằng gì? Cháu xin lỗi, cháu lên thăm bố cháu đây ạ...
***
Buổi chiều, Hà xuống phòng thanh toán viện phí, định nộp tạm vài chục nghìn thì cô kế toán cho biết bác Giám đốc bệnh viện đã kể cho cô Lan nghe về hoàn cảnh của nhà Hà nên cô Lan rất thương cảm với bố con Hà. Cô Lan đã nộp cho cả ba trăm nghìn đồng, cô còn bảo khi nào bố Hà ra viện mà thanh toán còn thừa, bệnh viện sẽ trả lại cho Hà.
Hà cảm động vô cùng bởi tấm lòng của cô Lan. Nó chợt nghĩ “Có lẽ trên đời này, trừ lão bán bánh mì patê ra, còn ai cũng tốt...”.
Tự dưng đôi mắt Hà rưng rưng vì cảm động...
Bắc Giang, tháng 3/1998