Chị nhìn đứa con âu yếm:
- Không sao, mẹ biết chú Tây này.
* * *
Hai người ngồi với nhau bên bờ biển. Kể về ngày ông bị quân đội Việt Nam bắt. Sau đó đưa về căn cứ, rồi cấp trên chuyển ông đi. Ngày ông bị bắt, chính bà là người dẫn ông đi qua rừng về tới căn cứ.
Hồi đó, một ông Tây cao lớn và một cô thanh niên xung phong bé nhỏ đi kề kề bên nhau. Người ta bắt gặp được ánh mắt tự tin, cương quyết của nữ thanh niên xung phong và vẻ sợ sệt của một anh lính Tây. Lúc đó, nếu ngấp nghé chạy, chắc anh ta sẽ bị ăn ngay một phát đạn.
Ông Thom nhìn người phụ nữ năm nào, giọng hồ hởi:
- Rồi xong chiến tranh, em đi đâu? Tôi tình nguyện ở lại đất nước em, nhưng tìm thông tin của em thì không thấy.
Nghe ông Tây nói tiếng Việt sành sỏi, lại xưng tôi và em nhẹ nhàng, bà Liên ngượng chín mặt. Bà bảo:
- Xong chiến tranh tôi về quê, cũng sửa soạn chăm lo cho cha mẹ già rồi mới chuyển vào Nam sinh sống.
- Rồi chồng con của em đâu?
- À… tôi… không lấy chồng, chỉ nhận nuôi thằng bé đó, từ lúc nó mới sáu tháng tuổi. Mà sao ông bị thương, hồi tôi giải ông về căn cứ Việt Nam, ông vẫn lành lặn mà.
- Chiến tranh mà em, may mà hồi đó tôi sớm nhận ra cuộc chiến tranh phi nghĩa giữa đất nước tôi đối với Việt Nam, nên khi được trở lại đơn vị, gặp gỡ vài người bạn, tôi đã khuyên can họ nhưng họ không nghe.
Khi tôi rời đi thì chuyện không hay đã xảy ra, chính là một trong số đồng đội đã bắn vào chân tôi, khiến bây giờ tàn phế một bên như thế này. Họ bảo tôi là một kẻ hèn nhát, dù có như thế nào thì phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, phụng sự cho đất nước.
Nhưng em biết không, tôi đã quá căm phẫn khi thấy đồng đội của mình dùng lửa đốt cháy nhà dân, dùng chính sách tàn bạo để bắt bớ những người dân vô tội. Những con người nước Nam nhỏ bé nhưng kiên cường bất khuất.
Chính đôi chân này của tôi còn giữ được một bên cũng là do bộ đội, y tá Việt Nam cứu giúp. Nếu không, tôi đã chết khi bò trong rừng tìm thuốc rồi.
- Thì ra là vậy, chính vì thế mà ông đã quyết định ở lại Việt Nam và không trở về nước nữa.
- Đúng, tôi có vợ và hai cô con gái. Chúng đều ở Việt Nam. Lâu lâu, tôi có đưa cả gia đình qua Mỹ, nhưng chúng tôi lại quay trở về đây. Đối với tôi, Việt Nam là quê hương rồi.
* * *
Sau một lúc trò chuyện, người đàn ông tên Thom đưa bà Liên cùng cậu nhóc đến khách sạn của mình. Ông bảo đây là nơi ông kinh doanh khách sạn du lịch, gia đình ông đều phục vụ trong khách sạn này.
Ông kéo mẹ con bà Liên đến bên vợ mình, giới thiệu rành rọt về thời gian gặp gỡ nhau của ông và bà trong chiến tranh. Trông ông thật hào hứng. Người vợ của ông Thom nhìn bà Liên đầy ngạc nhiên, bà bảo:
- Người phụ nữ bé nhỏ này, từng đánh giặc và áp giải quân đội Mỹ sao?
Bà Liên ngập ngừng:
- Thời chiến mà em, ai cũng tinh thần xông pha chiến trận.
Như đã gặp nhau thân quen tự lúc nào. Ông Thom và gia đình kéo mẹ con bà Liên ở lại khách sạn gia đình để tham quan du lịch mấy hôm. Rồi ông ngỏ ý cho mẹ con bà Liên ở lại lâu lâu hơn. Nhưng bà không đồng ý. Bà bảo còn về nhà, tranh thủ ruộng vườn, cây cối. Bà bỏ bê đi mấy hôm đang nhờ người nhà chăm sóc gà vịt.
Chia tay nhau ở bến tàu, thằng bé rón rén tặng ông Thom một bức tranh. Nó vẽ bầu trời trong xanh, có đàn chim hải âu bay lượn, ở đó có bạn bè, những đứa trẻ đang nô đùa dưới rặng phi lao. Ông Thom ôm cậu nhóc vào lòng. Hẹn một ngày không xa hai chú cháu sẽ lại gặp nhau.
Hai con người bước đi trên đường dẫn ra bến tàu. Phía sau là bà Liên, vợ ông Thom và hai đứa trẻ. Tiếng còi hú dài, ngân vang một hành trình mới…