Truyện ngắn: Người phụ nữ trên chuyến tàu Toulouse

03/03/2024, 15:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kỷ niệm đẹp là đồ vật đã mất' - Paul Valéry - 'Mỗi người đều có một tình yêu tiềm ẩn sâu thẳm'.

Những tia nắng trêu chọc xuyên qua các đám mây. Những chiếc lá mùa Thu theo gió cuộn tròn dưới chân tôi. Đó là tháng 10, thời điểm sắc màu rực rỡ, sưởi ấm trái tim chúng ta trong gam màu vàng kim và đỏ ruby.

Tượng nữ văn sĩ George Sand vẫn ở chỗ cũ, gần lối vào Đại lộ Saint Michel, cách đó không xa là tượng nhà văn Stendhal, nằm cách tượng bán thân của nhà văn Flaubert một quãng ngắn.

Đối diện tòa nhà Thượng viện, bức tượng “La pomme aux pommes” của Terzieff cũng vẫn trần trụi nơi đây. Trên thảm cỏ xanh của vòng quay ngựa gỗ cũ, đám trẻ vui vẻ xoay tròn, cưỡi trên lưng những con ngựa trắng, nâu và đen.

Đó là lúc tôi nhìn thấy em. Tôi rất xúc động. Một chút màu xanh lam rực rỡ dưới bóng cây hạt dẻ… Em trông thật thanh lịch với chiếc mũ cloche và chiếc áo choàng len phớt khoác cùng chiếc khăn lông. Sự hòa hợp màu sắc trên trang phục của em, có lẽ đến danh họa Chagall cũng không thể chê trách, như bức “Noé et l’arc en ciel” của ông vậy.

Trước ham muốn điên cuồng được chạy đến và ôm em, tôi vẫn núp mình trong bóng tối. Tiếp cận, tôi sẽ làm phiền em. Em không nhìn thấy tôi. Em tiếp tục đi trên con đường của mình. Tôi bàng hoàng nhớ lại những khoảnh khắc ngọt ngào ngày còn bên em, vài giọt chất lỏng mặn đắng tôi kìm nén bấy lâu, nay đã rỉ ra ngoài.

Lần cuối chúng ta gặp nhau cách đây đã rất lâu rồi. Em trông có vẻ lạc lõng. Tôi nhớ ngày hôm đó một cách rõ ràng.

Cuộc gặp ở ga Toulouse. Khi người soát vé vừa thông báo chuyến tàu sắp khởi hành, em xuất hiện bên cạnh tôi, thở hổn hển vì chạy, một tay run rẩy cầm tấm vé, tay kia là chiếc vali không tìm được chỗ để trong giá hành lý.

Chưa bình ổn được nhịp thở, em chắc chắn mình đang ở toa số 5, vị trí số 97. Khi tàu di chuyển, chiếc vali em lỡ trượt tay đã lăn sang giá tiếp theo ở giữa toa, bị kẹt lại. Lần này cũng chật vật như lúc mới lên tàu. Tôi đứng dậy giúp em nâng vali khổng lồ lên.

Em trở về chỗ của mình, bên cửa sổ. Em không ngồi yên. Từ trong túi, em lấy ra chiếc điện thoại di động, một chai nước, cuốn tạp chí giải ô chữ và cuốn sách. Sau đó, em trượt chiếc túi xuống chân, mở tạp chí.

Em cầm trên tay, cắn cây bút chì một cách lo lắng, nhìn vào ô chữ đầu tiên. Tôi thấy những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài trên đôi má bầu bĩnh của em, rồi dòng nước mắt nhấn chìm những định nghĩa cần giải quyết.

Điện thoại rung, em càng khóc nức nở. Em lục lọi trong túi nhưng không có kết quả. Tôi đưa cho em gói khăn giấy. Em xin lỗi rồi cảm ơn tôi giữa những tiếng nấc, em lẩm bẩm những điều mà tôi không thể hiểu được. Không lâu sau, tôi đọc được dòng tin nhắn đau lòng qua vai em: “Xin lỗi, anh phải thành thật với em, cuộc sống của anh gần đây có bước ngoặt mới rồi. Cảm ơn em vì tất cả. Chúc em hạnh phúc!”.

Sau hai trăm km và hai gói khăn giấy, em ngủ gật, nhưng không quá lâu vì thông báo của người soát vé khi đến gần ga Bordeaux - Saint - Jean khiến em giật mình. Em nhảy lên khiến tôi lo lắng. Em có xuống đây không? Tôi có nên nhanh chóng giúp em thu dọn đồ đạc không? Không, em nói với tôi rồi, em sẽ đi Paris.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Em đi về phía quầy bar. Tôi không biết tại sao lại theo em đến đây, có lẽ là muốn nói chuyện với em, muốn giải tỏa nỗi buồn vô hạn em đang trải qua, muốn tìm hiểu thêm về em.

Em mỉm cười với tôi và chỉ vào chiếc ghế trống gần bên. Tôi ngồi ở đó. Em nhẹ nhàng đặt tay lên tay tôi, thì thầm ấm áp: “Cảm ơn anh rất nhiều”. Chúng ta mỉm cười với nhau, sau đó, em bắt đầu cuộc trò chuyện, hỏi: “Anh cũng đến Paris à?”. Tôi trả lời: “Thỉnh thoảng tôi sẽ đến đó”.

Chắc hẳn tôi trông giống một người tỉnh lẻ vì em kể cho tôi nghe về Paris như một du khách lần đầu đến thủ đô, những di tích không thể bỏ qua, những nhà hàng thường lui tới, những nơi nên tránh, những khu phố yêu thích của em: Saint-Germain des Prés, Place des Vosges.

Em trò chuyện không ngừng nghỉ. Tôi nhìn em với vẻ thích thú, tôi, người đã sống gần Nhà hát Opera suốt mười lăm năm! Càng nói, ánh mắt em càng sáng, xua tan nỗi buồn trong bóng tối xa xăm. Tôi đã phát hiện ra người phụ nữ đầy đam mê, hài hước. Thật là sự tương phản với khởi đầu của chuyến đi! Chúng tôi không biết thời gian trôi đi, cũng không thấy phong cảnh thoáng qua.

Tốc độ 300 km/giờ của tàu cao tốc khiến những cánh đồng, cây cối, nhà cửa, những ngôi làng ở Poitou và thung lũng Loire biến mất trước mắt mà không thể lưu lại được hình ảnh. Em viết nguệch ngoạc số điện thoại của mình lên một góc tờ nhật báo của tôi, “Anh không thể biết được”, em nói, “thật tốt khi quen ai đó ở Paris”. Chúng tôi chia tay nhau trên sân ga.

Tôi đến Paris dự một hội nghị và gần như không có thời gian cho bản thân. Khi cố gắng liên lạc với em, tôi nghe thấy tiếng máy trả lời tự động nhưng không để lại tin nhắn nào. Tôi luôn bị chứng sợ điện thoại khi đối mặt với những hộp thư thoại này.

Trên chuyến tàu về nhà, tôi cảm thấy mình như đứa trẻ mồ côi trong khu phố. Sự cô đơn dường như nặng nề đối với tôi, tôi đã tưởng tượng rằng sẽ cùng em thực hiện chuyến đi này, tiếp tục tâm sự.

Vườn Luxembourg (Paris, Pháp). Ảnh: ITN
Vườn Luxembourg (Paris, Pháp). Ảnh: ITN

Không người trò chuyện, kể cả ông già cằn nhằn - người suốt chặng đường đến Bordeaux ngồi không ngẩng đầu, sửa các bản sao triết học, tôi nghĩ vậy, trong khi liên tục nhún vai và thốt ra những tiếng rít nhỏ bất mãn, hay người phụ nữ trẻ lên sau ông ta cũng ngủ cho đến trạm cuối.

Trong suốt cuộc hành trình tôi nghĩ về em. Tôi đã khắc sâu vào tâm trí khuôn mặt thanh tú, có chút tàn nhang, gò má cao, chiếc mũi hơi hếch. Tôi lại nhìn thấy đôi mắt xanh hạnh nhân của em, sau vài giờ đầy nước mắt với nụ cười tinh nghịch.

Tôi bỗng nhiên tò mò về cuộc sống, cách em sử dụng thời gian, những ước mơ và mục tiêu của em. Tôi không biết hoặc biết rất ít về em nhưng tôi có cảm giác như đã gặp được người quan trọng. Tôi có mong muốn vô lý, tôi muốn gặp lại em.

Vài tuần sau, tôi lên kế hoạch đi Paris để giải quyết công việc gia đình. Khi tôi gọi cho em và em nhận ra ngay giọng nói của tôi, nhớ đến tôi là người đàn ông trên chuyến Toulouse - Paris và dường như không ngạc nhiên trước cuộc gọi này. Lời mời ăn trưa của tôi dường như khiến em rất vui. Tôi để em lựa chọn nơi gặp mặt.

Em luôn nghĩ tôi là dân Toulouse không biết gì về thủ đô, nên em đặt ra cho tôi một câu đố và gợi ý sẽ gặp nhau trước một địa điểm có bề dày lịch sử chính trị, triết học và văn học kéo dài ba thế kỷ, nơi có Thời kỳ Khai sáng và chứng kiến sự ra đời của Bách khoa toàn thư. Tôi không biết em làm nghề gì, nhưng tôi tưởng tượng ra cảnh đoàn khách du lịch dõi theo từng lời nói của em trước Pantheon hay Place des Vosges.

Tôi thấy em sải bước đi vào, đôi chân thon dài trên giày cao gót và trong chiếc váy chấm bi xinh xắn khiến tôi nhớ đến Julia Roberts trong Pretty Woman. Em mỉm cười chào và tôi đã mời em đến Procope.

Tôi thực sự tận hưởng vài giờ cùng em trải qua khoảnh khắc thật vui vẻ, dễ chịu.

Món sốt kem củ cần với gan ngỗng, bánh phồng cá với nấm xép và món súp trái cây kỳ lạ minestrone kết hợp đã tạo nên bữa ăn ngon miệng.

Thân hình cân đối cùng sự vui vẻ nhiệt huyết của một cô gái trẻ hấp dẫn tôi. Tôi ngồi nghe em kể chuyện giống như nhấm nháp một liều thuốc tiên ngọt ngào.

Tôi đã đoán khá chính xác. Sau khi học lịch sử và ngôn ngữ, em bắt đầu công việc hướng dẫn du lịch, một công việc năng động khiến em say mê và thích thú. Khi tôi nói mình là bác sĩ gây mê, em trợn mắt kinh ngạc. Quấn ngón tay vào mái tóc xoăn, em liên tục hỏi về tôi.

Tôi sẵn sàng trả lời tất cả. “Đúng, thời gian nghiên cứu luôn kéo dài”. “Đúng vậy, bệnh nhân khi vừa tỉnh lại đôi khi rất ngơ ngác”. “Không, cho đến hôm nay, tôi chưa gặp khó khăn gì, tất cả bệnh nhân của tôi đều tỉnh lại”. “Có, chúng tôi đều đeo mặt nạ trong khi truyền dịch”.

“Đúng vậy, morphine được đặt theo tên của Morpheus, con trai của Hypnos, vị thần của giấc ngủ”. “Vâng, công việc này rất mệt mỏi”. Em bật cười sảng khoái khi hỏi làm thế nào để nhận ra bác sĩ gây mê và tôi trả lời: “Đó là người luôn thức bên cạnh người đang ngủ”.

Sau đó, chúng tôi đi bộ trên Đại lộ Saint-Germain và đến Boul’Mich về phía vườn Luxembourg. Dưới tia nắng Hè, chúng tôi dạo dọc theo những con đường rợp hoa rực rỡ suốt mùa Hè năm đó trong sắc đỏ với hoa Salvia, thược dược, thu hải đường, cúc ngũ sắc hay phong lữ.

Chúng tôi dừng lại đây đó, cúi chào những bức tượng của các nữ hoàng vĩ đại trước khi ngồi xuống chiếc ghế nổi tiếng - biểu tượng thực sự của Luco, trước hồ bơi hình bát giác nơi nhiều chú bé đang thả chiếc thuyền nhỏ của mình. Chúng tôi ở lại trò chuyện một lúc.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Em muốn biết mọi thứ về tôi và tôi thích điều đó. Gió thổi tung vài sợi tóc của em. Vẻ ngoài, giọng nói và bàn tay của em trong tầm tay của tôi thật hấp dẫn. Tôi giữ chặt em trong đôi mắt của mình và tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc thuần khiết này. Rồi đột nhiên em nhìn đồng hồ.

Em phải trở về và sắp xếp vali. Em khởi hành đến Rome rồi đến Milan trong vài tuần vào rạng sáng hôm sau. Tôi nghĩ em đã nhìn thấy sự thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt tôi. Trước khi rời đi, chúng tôi dừng lại ở đài phun nước Medici, một trong những nơi lãng mạn nhất trong khu vườn. Trong lúc ngắm nhìn bức tượng “Galathée dans les bras d’Acis”, chúng tôi hứa sẽ gặp lại nhau và trao đổi địa chỉ.

Tôi nhớ rất rõ ngày hôm đó...

Sau Rome và Milan, em lại đến Vienna rồi Madrid. Em giải thích với tôi, công việc hướng dẫn viên luôn đòi hỏi sự sẵn sàng cao độ.

Do hoàn cảnh, mối quan hệ của chúng tôi tiếp tục thông qua thư từ, liên lạc thường xuyên qua email. Em kể cho tôi nghe về những chuyến đi, khách du lịch của em.

Tôi trở nên am hiểu về các di tích La Mã mà tôi có thể khám phá đặt trên bản đồ những thành phố vĩnh cửu: Đấu trường La Mã, Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Nhà nguyện Sistine, điện Pantheon, Công trường La Mã, Quảng trường Tây Ban Nha Seville...

Bây giờ, tôi đã biết phải đi đâu để nếm món gelatti ngon nhất khi lưu tọa độ của Gioletti - tiệm kem lâu đời nhất ở La Mã vào điện thoại của mình. Tôi mơ được tắm trong đài phun nước Trevi, leo lên Duomo ở Milan, nhấm nháp một ly ristretto khi rời khỏi Scala hay Bảo tàng Leonardo da Vinci và dùng thẻ tín dụng để mua sắm tại các cửa hàng thời trang.

Em có cách khiến tôi như được sống bên cạnh em, bất chấp khoảng cách. Những dòng thư giống như em, ẩn chứa sự thông minh và hóm hỉnh. Tôi tưởng tượng mình đang nghe thấy em nói chuyện. Ngòi bút của em làm tôi say mê.

Còn tôi, tôi kể về những cuốn sách tôi đọc, những bộ phim tôi xem, những dự định của tôi. Một ngày nọ, tôi viết rất dài về Toulouse, thành phố màu hồng và tự hỏi liệu em đã đến đây chưa hay chỉ biết qua lời kể của tôi.

Tôi muốn đưa em đi du thuyền trên kênh Canal du Midi, đi dạo dọc bờ sông Garonne hay dưới mái vòm của tu viện Jacobin; đưa em đi ngắm nhìn Saint - Pierre, đến những quán bar thời thượng hay dùng bữa tối tại một tu viện cũ. Việc viết thư đã trở thành cầu nối giữa hai chúng ta.

Rất lâu sau, trong thời gian em ở Vienna, mọi chuyện mới có tiến triển. Chúng tôi trở nên gần gũi hơn khi tần suất gửi email tăng dần từng ngày, đôi khi cả SMS. Cảm xúc được gửi gắm qua những dòng thư và đôi khi chúng trở thành những lá thư tình.

Từ những dòng thư, chúng tôi mơ về những chuyến xe ngựa lãng mạn, những bữa tối dưới ánh nến trên tầng bảy của khách sạn Grand; tưởng tượng về những điệu valse bên bờ sông Danube lơ đãng hay về những nụ hôn nghịch ngợm lúc rời Cung điện Belvedere sau khi tham quan triển lãm của Klimt và thậm chí là cả những bữa tiệc socola, buổi mát-xa đôi với bơ cacao và dầu hạnh nhân ngọt ngào.

Khi tôi cân nhắc việc đặt chuyến bay đầu tiên cùng em đến đó thì em thông báo sẽ sớm khởi hành về Pháp và đến các lâu đài ở Loire. Tôi hỏi thông tin, em cho tôi biết lịch trình chuyến đi, cả tên khách sạn nơi em ở. Tất cả những gì tôi phải làm là đặt phòng ở Vinci Loire Valley. Tôi chợt lo lắng với quyết định đột ngột này, nhỡ xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn thì sao?

Tôi gần như không có cơ hội để nghĩ về điều đó. Đại dịch bùng phát, lệnh cấm nghiêm ngặt về di chuyển đã làm hỏng kế hoạch của tôi. Em ở lại Paris. Tôi không thể rời Toulouse, trực ở bệnh viện một thời gian dài, có những ngày vất vả làm cả ca đêm. Trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, chúng tôi ở tuyến đầu điều trị cho bệnh nhân.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Buộc phải sống với những gì có trước mắt, đối mặt với những khó khăn chất chồng vì thiếu thiết bị, thiếu nhân viên và thiếu giường bệnh. Tỷ lệ tử vong gia tăng nhanh chóng, không ai biết đại dịch sẽ đưa chúng ta đến đâu. Nhân loại đã trải qua thời kì đầy thử thách và khó khăn không thể tưởng tượng với cảm giác bất lực và nỗi sợ dịch bệnh lây nhiễm cho bản thân và những người thân yêu.

Chưa bao giờ đầu Xuân lại gần với cuối Thu đến vậy như khi sắc xám xịt của đầu Đông tràn về. Dù thiên nhiên đã thức giấc nhưng mọi vật đều buồn bã. Những bông hoa đầu tiên, thường báo hiệu cho ngày thanh bình, nay nhuốm màu u sầu.

Các doanh nghiệp dần đóng cửa. Đường phố vắng tanh. Những khuôn mặt ẩn sau chiếc khẩu trang chống dịch. Cảnh sát tuần tra trên đường phố khiến chúng ta nghi ngờ mình có lấy đúng thẻ và có vượt quá thời gian di chuyển không. Không khí u ám ngự trị khắp nơi.

Sự cô đơn xâm chiếm những người độc thân hay những người xa nhà vì công việc không thể về đoàn tụ cùng gia đình trong vài ngày, vài tuần. Tôi cũng thường xuyên phải ngủ ở bệnh viện, tôi cảm thấy cô đơn như chú chó đi lạc.

Vì không có thời gian nên những tin nhắn ngắn gọn dần thay thế những email dài của tôi. Nhưng em lại tỏ ra hờ hững, thậm chí là xa cách. Những email dần hiếm hoi và rồi một ngày, không có gì nữa... Ngay cả trên điện thoại em cũng không trả lời. Tôi đoán em đã chuyển đi. Tôi nghĩ, ngoài việc xa cách khiến chúng tôi gặp nhau khó khăn, em cũng biết chúng tôi có những mục tiêu không thể hòa hợp.

Thật khó để tiếp nhận chuyện này, chấp nhận ý nghĩ có lẽ sẽ không bao giờ gặp lại em. Thời gian trôi qua, khoảng thời gian tưởng như vô tận, vĩnh hằng quét sạch suy nghĩ của tôi, xua đuổi bóng ma ngày đêm, khi đọc lại câu chuyện này trong bóng tối. Tôi sống trong đại dương đau thương, trong lòng là khoảng trống mênh mông không gì có thể lấp đầy.

Và sau đó là cuộc gặp cuối cùng tại Bảo tàng Vasa ở Stockholm. Em đang trong vòng tay của một người đàn ông. Người đàn ông mà em đã trao nụ cười rạng rỡ và người đó dường như gây ấn tượng với em hơn cả con tàu tráng lệ của thế kỷ 17, tàu chiến lớn nhất thời bấy giờ, niềm tự hào của vua Gustav Adolph, bị chìm trong cảng ngay chuyến hành trình đầu tiên vào năm 1628.

Khi nhận ra tôi, em đỏ mặt. Tối hôm đó, em gửi cho tôi một tin nhắn, kiểu tin nhắn đã khiến em khóc rất nhiều năm trước và gợi ý rằng tôi hãy quên em đi: “Cuộc đời tôi đã thay đổi. Hãy chăm sóc bản thân, hãy hạnh phúc. Anh xứng đáng được như vậy. Trân trọng”. Em phải mất bao nhiêu thời gian để quên đi? Tôi không hiểu!

Tôi nhớ rất rõ những ngày đó... Và em còn nhớ không?

Tháng 9 năm 2023.

Ngọc Anh (Dịch từ tiếng Pháp)

Bài liên quan
Truyện ngắn: Chỉ một lần thôi
Sáng thứ Sáu, Xuexue lại đến lớp muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn: Người phụ nữ trên chuyến tàu Toulouse