Năm hai tuổi, tôi mắc bệnh bại liệt. Mặc dù, sau vài ngày có thể đi lại bình thường, nhưng đôi chân của tôi vẫn teo lại.
Đó là buổi chiều thứ Ba trong năm học đầu tiên trong chương trình tiểu học bắt buộc. Chúng tôi đến bể bơi tham gia lớp học bơi. Khi Alexandre, bạn cùng lớp, nhìn thấy tôi mặc quần bơi, cậu ta như cố tình buột miệng kêu lên:
- Nhìn kìa! Chân của Romain sao lại gầy nhom thế kia!
“Làm sao cậu dám khoe đôi chân không tuân theo chuẩn mực cơ thể thông thường như thế?” - Câu nói của Alexandre dường như muốn ám chỉ điều đó. Đến lúc này, tôi chỉ quanh quẩn bên những người không để ý đến khiếm khuyết của mình.
Nhưng sau một ngày đến trường, tôi đột ngột phải đối mặt với “kẻ khác”. “Kẻ khác” ấy có ánh mắt tàn nhẫn và lời nói độc địa. Ánh nhìn của cậu ta xé toạc bức màn che chắn xã hội của tôi và lời bình luận đó đẩy tôi xuống đáy vực tự ti trong suốt phần đời còn lại.
Đây là lần đầu tiên tôi đối mặt với “kẻ khác”. Tôi sợ hãi, ghen tị và căm ghét cậu ta. Sợ hãi vì chỉ có lời đáp trả thông minh mới có thể xoa dịu vết thương lòng tự trọng. Nhưng tôi lại mắc chứng nói lắp lâu năm do một sự cố chìm vào quên lãng trong trí nhớ. Khi tôi hỏi bố mẹ về việc đó, họ cũng không giúp được gì.
Tôi ghen tị vì cậu ta không phải chịu gánh nặng của sự xấu hổ về khiếm khuyết cơ thể. Bắp chân săn chắc của bạn cùng lớp phô diễn vẻ đẹp kiêu hãnh, chế giễu đôi chân yếu ớt của tôi. Tôi chỉ mong được mặc quần áo trở lại. Tôi căm ghét vẻ ngoài hớn hở của cậu ta, nó như lời thì thầm lạnh lùng: Khiếm khuyết đó sẽ theo tôi suốt đời.
Những ngày tháng tiếp theo trôi qua, mang theo cả chuỗi giày vò tinh thần khi đôi chân trần trụi của tôi, đối lập hoàn toàn với khuôn mặt thanh tú. Sự khác biệt đó đẩy tôi vào một thế giới phi lý không thương tiếc, trói buộc tâm hồn tôi vào sự tra tấn. Khi mặc quần áo, tôi ngang hàng với “kẻ khác”, nhưng khi cởi bỏ, tôi trở thành kẻ thấp kém hơn họ.
Lúc đó tôi khoảng mười một tuổi, đang tham gia một khóa học bơi tiếp theo. Sau vô số bài học, tôi vẫn không thể thực hiện được hai động tác bơi sải liên tiếp mà không có phao. Huấn luyện viên vẫn luôn lảng tránh khi bố mẹ tôi lo lắng hỏi về vấn đề này. Phải chăng tôi bị tê liệt bởi môn thể thao phải phơi bày cơ thể?
Những mệnh lệnh đột ngột của huấn luyện viên gần như không khích lệ được tinh thần mà ngược lại còn khiến tôi như hóa đá. Có lẽ là rằng thầy ấy không mấy quan tâm đến tôi mà đang tiết kiệm sức lực và nước bọt của mình cho những “con cá mập” bơi lội khác.
Hôm nay, huấn luyện viên có việc bận, không thể lên lớp; đây là lần đầu tiên trong suốt quãng đời học sinh của tôi, thầy ấy vắng mặt. Khi nhìn thấy tôi loay hoay giữa đám phao dành cho người mới bắt đầu, thầy giáo dạy thay đã gọi tôi lại gần và hỏi:
- Đây là buổi học bơi thứ bao nhiêu của con rồi?
- Thầy biết không - tôi thở dài - con đã học bơi rất lâu rồi.
- Ý con là sao? - Thầy hỏi thêm.
- Con đã cố gắng bơi không phao suốt 5 năm rồi mà vẫn không làm được.
- Nào, hãy cầm phao và cùng thầy đến hồ bơi nhỏ, giờ này cũng chẳng có nhiều người đâu. Con cứ bơi, khi nào cần dừng thầy sẽ bảo – thầy yêu cầu tôi với giọng điệu vô cùng nhẹ nhàng.
Sự dịu dàng của người đàn ông này khiến tôi bỗng dưng cảm thấy tự tin hơn. Hưng phấn hẳn lên, tôi như mọc thêm đôi cánh; chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ thuần hóa được nước, tôi tự nhủ. Tôi làm theo lời thầy. Sau khoảng mười lăm phút, thầy giáo lặn xuống nước và hỏi tôi:
- Con đã mệt chưa?
Tôi lắc đầu ra hiệu là chưa.
- Tuyệt vời! Hoàn hảo! - Thầy giáo reo lên - Các động tác của con hoàn toàn đồng đều. Giờ chỉ cần thực hiện những động tác đó mà không cần dựa vào phao nữa. Hãy bơi bằng những động tác phù hợp, con sẽ không bị chìm – Thầy giáo nói và vỗ nhẹ đầu tôi.
Chúng tôi quay trở lại hồ bơi Olympic. Trên đường đi, chúng tôi gặp Alexandre, cậu ta đang đi cùng một bạn học khác. Sau khi thì thầm gì đó vào tai nhau, cả hai nhìn vào đôi chân của tôi và bật cười.
Giống như con sóng nhô lên trước gió, nỗi tức tối trong lòng tôi lại bùng lên trước sự chế giễu của hai kẻ ngốc nghếch kia; tiếng cười cợt của chúng đã khiến nỗi buồn chôn sâu bấy lâu trong tâm hồn tôi trào dâng thành tiếng nức nở. Thầy giáo lấy chiếc khăn tay lau nước mắt cho tôi, rồi dắt tôi đến gần mép hồ bơi, nói:
- Đúng là đôi chân của con không hoàn hảo, nhưng điều quan trọng nhất là nó vẫn giúp con di chuyển, không phải sao? Ánh nhìn của người khác về nó không hề ảnh hưởng đến số phận của con, số phận của con luôn nằm trong tay con.
Nhiều người cơ bắp cuồn cuộn lại không hài lòng vì họ không thể rèn luyện thêm để vượt qua giới hạn. Hãy thách thức cái nhìn của người khác bằng cách chứng minh năng lực của mình trước mặt họ; nó sẽ khiến họ choáng ngợp đến mức không còn để ý đến khiếm khuyết của con nữa.
Nói xong, ông đẩy tôi xuống hồ bơi. Cơ thể tôi chìm xuống đáy. Choáng váng, tôi bắt đầu sặc nước thì hình ảnh thần chết hiện lên như một vực thẳm lạnh lẽo mà tưởng chừng như sẽ rơi vào mãi mãi, khiến tôi tỉnh táo trở lại. Đá chân mạnh xuống đáy hồ, tôi phóng người, nổi lên mặt nước. Thầy giáo đang đứng ngay cạnh tôi. Ông khen ngợi phản xạ của tôi tốt, nói thêm:
- Thầy muốn kiểm tra phản ứng của con. Bây giờ, hãy thực hiện những động tác giống như lúc nãy và bơi đến cầu thang hồ bơi, thầy sẽ ở bên cạnh con.
Tay chân bắt đầu cử động, tôi bơi như có phép thuật.
Ôi, niềm vui ngọt ngào,
Nước, nữ hoàng của vũ trụ,
Ngay cả tình yêu cũng không thể nhấn chìm tôi.
Tôi sẽ lướt trên sóng nước của em cho đến hết đời - Tôi đã khóc vì vui sướng.
Khi tôi tới thang bơi, thầy giáo ôm chầm lấy tôi trước sự ngỡ ngàng của Alexandre. Quá bất ngờ, cậu ta sững người. Kẻ bị chế giễu đã vùng dậy. Đúng vậy, “kẻ khác”, với ánh mắt hằn học, sẽ không bao giờ nhìn vào đôi chân teo nhỏ của tôi nữa.
Tuy nhiên, khi tôi nói chuyện với cậu ta, nụ cười mỉa mai dường như muốn nói với tôi: Mặc dù bơi lội đã khiến đôi chân của tôi trở nên bình thường, nhưng khiếm khuyết về khả năng nói của tôi vẫn thể hiện sự yếu kém về trí tuệ. Cho đến khi, một ngã rẽ trong cuộc đời chúng tôi xuất hiện, trí tuệ, trong tâm trí của “kẻ khác”, cũng sẽ nói lắp.
Sau khi tốt nghiệp cấp hai, tôi không còn liên lạc với Alexandre nữa.
Vào một ngày tháng Chín, những tia nắng vội vã đồng hành cùng tôi đến dự buổi lễ trao giải cuộc thi viết văn. Tôi sẽ được chủ tịch ban giám khảo trao giải Nhất. Chủ đề của cuộc thi là: “Lời nhắn tình yêu trên máy trả lời tự động”.
Mặc dù thực tế chưa hứa hẹn cho tôi cô gái nào, nhưng đam mê phù phiếm, dưới dạng nàng thơ, đã thôi thúc tôi viết bài. Bài viết của tôi có tiêu đề: “Tình yêu trong máy trả lời tự động”. Tôi bước vào khán phòng. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy cô gái trong những lời văn của tôi, cô ấy đang ngồi trước mặt tôi.
Liệu cô ấy có hỏi tên tôi sau khi nghe lời nhắn hay cô ấy đến đây vì lý do khác? Tôi tự hỏi. Ban giám khảo bước vào và sau những bài phát biểu, lời chúc mừng thông lệ, họ đã đọc tác phẩm đoạt giải cho khán giả nghe. Tôi nhìn chằm chằm vào tai của cô gái như thể tôi đang lặp lại với cô ấy:
Xin chào, người đẹp xa lạ! Tôi đã vô tình nhìn thấy em cách đây không lâu. Khi ấy, tôi tan làm về nhà lúc trời sập tối. Tàu điện đông nghẹt và em đứng cách tôi vài bước chân. Em toát lên vẻ u buồn nhưng cũng rạng ngời.
Tôi tưởng tượng ra em qua mái tóc đen tuyền phản chiếu những tia sáng lấp lánh của tình yêu, tôi cũng mường tượng ra em qua đôi mắt nai tơ sâu thẳm, toát lên niềm đam mê rực cháy như sao trời. Giống như tia nắng Mặt trời sắp rọi xuống Mặt trăng, cơn giận dữ của em chuẩn bị xé tan bóng tối tình yêu khi em lấy điện thoại ra khỏi túi.
Với giọng điệu trách móc, em nói với người đối thoại rằng không nên lẫn lộn giữa việc kinh doanh và tình cảm. Em sẵn sàng bán chiếc xe của mình cho anh ta và hỏi anh ta có đồng ý với giá đó không. Sau đó, bằng giọng nói ngọt ngào, em yêu cầu anh ta để lại tin nhắn trên máy trả lời tự động vì em sẽ đi du lịch vào tối hôm đó và điện thoại của em không có hộp thư thoại.
Khi tôi nghe em đọc số điện thoại cố định cho anh ta, hy vọng được quen biết em bỗng ùa về trong đầu tôi như một bầy vị thần Cupid. Tôi đã quan sát em trong suốt cuộc trò chuyện. Cơn giận dữ khiến chiếc mũi nhỏ nhắn xinh xắn của em rung lên một cách gợi cảm, đôi môi em như đang thì thầm.
Chiếc tai thanh lịch tô điểm cho chiếc điện thoại màu xanh như chiếc cổ áo ren. Bàn tay mảnh khảnh và nữ tính nhẹ nhàng vuốt ve lọn tóc bướng bỉnh bay trong gió lùa. Trước vẻ đẹp ấy, tôi chỉ muốn vùi đầu vào lòng em. Không sợ em từ chối, tôi để mình trôi theo dòng nước như kẻ mơ mộng.
Hãy gọi lại cho tôi sớm nhất có thể vào số 2010931***. Vẻ đẹp của em thổn thức trong tôi, khiến tôi run rẩy. Trong khi chờ đợi cuộc điện thoại của em, vẻ ngoài và khuôn mặt xinh đẹp của em sẽ giúp tôi vượt qua hành lang chờ đợi vô tận. Không biết có người nào khác đang sôi sục trong vạc tình yêu của em hay chưa.
Nếu có, những lời lãng mạn của tôi sẽ vui vẻ tan biến trong trái tim rực lửa của em. Từ tro tàn của chúng, tôi chắc chắn sẽ tái sinh những lời nói nồng cháy khác, sưởi ấm người yêu của riêng tôi. Tôi không hôn em vì nếu không có hơi ấm của em bao bọc lấy tôi, nụ hôn đó chỉ có thể là món khai vị khiến người ta ước ao.
Tiếng vỗ tay vang lên. Khi bước lên sân khấu nhận giải thưởng, đầu gối tôi như muốn khuỵu xuống. Tôi nhận ra Alexandre, kẻ thù cũ, chính là người đã trao giải cho bài viết của tôi. Tôi đã không gặp cậu ấy suốt mười tám năm, nhưng khuôn mặt góc cạnh và đôi mắt nhỏ xíu ấy vẫn không hề thay đổi.
- Chúc mừng anh, Romain - Cậu ta nói và trao cho tôi chiếc phong bì giải thưởng. Sau đó lại hỏi:
- Văn phong của anh, đây là tiểu thuyết hay tự truyện?
- Là tự truyện.
- Tôi đoán là cô ấy đang ở đây - Cậu ta nói thêm với nụ cười mỉa mai.
Tôi không đáp lại mà đi đến bắt tay những thành viên khác trong ban giám khảo. Khi quay trở lại chỗ ngồi, tôi có chút thất vọng khi nhận ra cô gái đã biến mất. Nụ cười chế giễu của Alexandre tuy đã không còn nhưng sự ganh tị hiện rõ trên khuôn mặt anh ta khiến tôi không thể không vui mừng với thành công của bản thân.
Ngọc Anh (Dịch từ tiếng Pháp)