Để sử dụng tốt sách giáo khoa cần có sách hướng dẫn giáo viên. Điều này dẫn đến hạn chế trong phát triển năng lực của giáo viên. Việc thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa sẽ có khó khăn cho học sinh khi chuyển từ trường này sang trường khác (khi trường mới áp dụng bộ sách giáo khoa khác với trường cũ), nên dư luận trong xã hội, kể cả nghị trường Quốc hội cũng đã có ý kiến đề xuất nên dùng một bộ sách giáo khoa thống nhất.
Tư duy văn mẫu đã đồng phục hóa tư duy học sinh, cũng là một cản trở trong đổi mới giáo dục hiện nay. Văn mẫu đã gây ra những điểm mù trong nhận thức của học sinh, khiến các em mất khả năng phân biệt đâu là kiến thức, đâu là sáng tạo cần có khi viết bài.
Văn mẫu đã gây tê liệt rồi dần giết chết năng lực sáng tạo của học sinh. Sách văn mẫu, bài tập mẫu, sách luyện thi... được bán tràn lan. Việc dạy học, kiểm tra, đánh giá của giáo viên nhiều khi dựa vào văn mẫu, bài tập mẫu nên buộc học sinh học thuộc lòng văn mẫu, thiếu đi sự phản biện và sáng tạo.
Tư duy học để thi, để vào trường top, trường điểm, chứ không phải học để nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực và phẩm chất. Mặc dù, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp giảm áp lực thi cử, nhưng việc đánh giá học sinh vẫn coi trọng điểm số nên học sinh phải học thêm rất căng thẳng.
Việc xét tốt nghiệp THPT có sự tham gia điểm học bạ và xét tuyển ĐH bằng học bạ góp phần làm cho giáo dục thiếu trung thực, vì giáo viên cho điểm “nới hơn” để có lợi cho học sinh.
Học sinh lớp 12 Hà Nội làm bài khảo sát trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: INT |
Tài năng của con người cực kỳ đa dạng. Con người có những năng khiếu hoàn toàn khác nhau. GS Howard Garner (Mỹ), người đã sáng tạo ra thuyết “Đa thông minh”, cho rằng, một người có thể tiềm ẩn một hoặc nhiều trí thông minh khác nhau, đó là: Lý luận toán học, ngôn ngữ, âm nhạc, không gian, vận động thân thể, thiên nhiên, giao tiếp giữa cá nhân và hiểu rõ nội tâm cá nhân.
Lý thuyết của Howard Gardner đã đặt ra nhiều chiến thuật mới về cách giảng dạy và học tập, học sinh nhờ đó có nhiều cơ hội khám phá ra các mức khác nhau về thông minh và được giúp đỡ để phát triển cả những năng khiếu còn tiềm ẩn.
Theo Howard Gardner, trường học nên giúp đỡ học sinh tham gia học hỏi, phát triển nhiều loại thông minh, tham gia nhiều loại sinh hoạt học đường và xã hội, khiến cho học sinh phát triển nhiều năng lực để sau này phục vụ xã hội theo nhiều lĩnh vực khác nhau.
Kết quả, Phần Lan 6 năm liền là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới giai đoạn 2017 - 2022, theo “Báo cáo Hạnh phúc thế giới” dưới sự bảo trợ của tổ chức Sáng kiến toàn cầu Liên Hợp Quốc. Đây chính là trái ngọt của một nền giáo dục đa dạng, khai phóng, mà ở đó, mỗi học sinh được là chính mình, được lựa chọn con đường riêng để phát triển năng lực bản thân.
Vì vậy, cần từ bỏ mô hình giáo dục đồng nhất và tư duy văn mẫu trong giáo dục. Đa dạng hóa mô hình trường phổ thông, xây dựng trường học thông minh, trường học hạnh phúc, trường học toàn diện… Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH cũng cần đa dạng, liên thông, đào tạo đa ngành như các nước là điều cần thiết để tạo ra nguồn nhân lực đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Cá nhân hóa giáo dục là câu trả lời cho hiện tại và tương lai để xây dựng một nền giáo dục học tập suốt đời.
Với quan điểm giáo dục phi đồng nhất, xã hội tăng cường phản biện, nhưng cũng cần cởi mở hơn với sự đổi mới đối với giáo dục và đào tạo.
Nhà nước, người dân đầu tư nhiều nguồn lực cho giáo dục, mở rộng diện miễn học phí và miễn phí sách giáo khoa, khi đó mới xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập với khu vực và thế giới.
Trong những năm gần đây, việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT có nhiều tiến bộ. Kết quả tuyển sinh năm 2022 cho thấy, chỉ có 48% học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển nhập học ĐH, 52% còn lại tham gia học nghề, xuất khẩu lao động, du học hoặc trực tiếp lao động ở các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Việc tuyển sinh nghề năm 2022 đạt kết quả tốt, có 2,48 triệu học sinh, học viên tham gia học nghề, trong đó có 236.000 sinh viên cao đẳng nghề và 312.000 học sinh trung cấp nghề, còn lại khoảng 1,9 triệu học viên tham gia các chương trình nghề ngắn hạn.
Điều này cho thấy, nhiều học sinh đã sớm xác định hướng đi của mình, phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế của bản thân, chứ không tập trung vào con đường vào ĐH.
Đồng thời, mới đây, một số địa phương như Nghệ An, qua khảo sát nguyện vọng học sinh lớp 12 cho thấy, nhiều học sinh không có nguyện vọng xét tuyển ĐH, cá biệt có trường gần như 100% học sinh thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp.
Từ thực tế này, các nhà trường có các giải pháp phân hóa học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của học sinh theo nhiều hướng khác nhau như: Vào ĐH, đi du học, học nghề, tham gia lao động.
Nhà trường đầu tư dạy và học để nâng cao chất lượng các môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ, Tin học… Tăng cường hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện cho học sinh gắn học tập với giải quyết các vấn đề cuộc sống và qua đó giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.