Tự chủ đại học: Thành công và thách thức từ một số mô hình

Như Ý | 13/07/2020, 07:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hơn 10 năm qua, một số trường ĐH tại Việt Nam hoạt động thí điểm theo mô hình tự chủ, trong đó có trường đạt thành công đáng khích lệ.

Tháo gỡ rào cản

Tại tọa đàm khoa học "Đổi mới tư duy quản lý Nhà nước với giáo dục ĐH Việt Nam" vừa diễn ra, nhiều nhà nghiên cứu/ chuyên gia đã dành nhiều sự quan tâm đến chủ trương tự chủ ĐH.

Trong đó có một số ý kiến đề cập về những vướng mắc cần được tháo gỡ để GDĐH phát triển tốt hơn như không nên coi tự chủ ĐH chỉ là hoặc chủ yếu là tự chủ về tài chính; Đồng thời, thực hiện tự chủ ĐH không có nghĩa là Nhà nước sẽ không tiếp tục đầu tư để phát triển GDĐH, mà là đầu tư có trọng điểm theo phương thức khác, không bao cấp tràn lan. Ngoài ra, không nên lấy mức độ tự túc về kinh phí của các trường làm điều kiện để quyết định mức độ được tự chủ cho trường đó.

Liên quan đến các quy định, một số ý kiến cho rằng, nên có chỉ thị về việc thực hiện tự chủ ĐH, trong đó quy định, hướng dẫn phương thức lãnh đạo của Đảng ủy trong các trường ĐH tự chủ; tăng cường quản lý Nhà nước theo chức năng thay cho quản lý theo cơ chế chủ quản, trước mắt có thể thí điểm việc xóa bỏ cơ chế chủ quản cho các trường đang thực hiện tự chủ hiện nay.

Theo chia sẻ của đại diện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, chúng ta phân chia trường công lập và ngoài công lập trên nguyên tắc duy nhất là sở hữu. Nhưng khi trao quyền tự chủ cho các trường công lập, nên cho phép họ có quyền thu hút thêm đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, từ trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu. Từ đó sẽ hình thành mô hình trường đại học đa sở hữu.

PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt (Chủ tịch Hội đồng tư vấn Trường ĐH Kinh tế TPHCM) cho rằng: Để tự chủ trong các trường đại học thể hiện đúng thực chất cần giải quyết hài hòa các vấn đề có liên quan và đặc biệt là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu.

Từ thực tiễn tự chủ của TDTU, GS.TS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xuất phát điểm là đại học dân lập nên ngay từ đầu nhà trường bắt buộc phải tự lo cho mình mọi thứ (kinh phí từ đầu tư xây dựng cơ bản đến phát triển nhân sự...).

"Cùng với quan điểm xây dựng theo chuẩn đại học đẳng cấp quốc tế và tư duy quản trị đại học lấy hiệu quả làm thước đo quan trọng nhất đã giúp TDTU phát triển nhanh chóng và sớm trở thành khác biệt so với các đại học khác trong hệ thống đại học công lập Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động theo mô hình tự chủ ĐH, nhà trường cũng vấp phải muôn vàn khó khăn từ các quy định của Đảng và Nhà nước. Có những vấn đề áp dụng theo Nghị quyết 29, Luật GDĐH… thì đúng nhưng theo một số luật, Nghị định khác lại chưa ổn. Hệ lụy là nhà trường phải tiếp rất nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra" - Hiệu trưởng TDTU chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thanh-cong-va-thach-thuc-mo-hinh-tu-chu-dai-hoc-20200629153820263.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thanh-cong-va-thach-thuc-mo-hinh-tu-chu-dai-hoc-20200629153820263.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự chủ đại học: Thành công và thách thức từ một số mô hình