Điều đó cho thấy về sản phẩm ẩm thực chúng ta có thừa nhưng kiến thức về thương hiệu, về kinh doanh ẩm thực thì đang thiếu rất nhiều.
-Thực tế, tại Việt Nam, có khá nhiều quán ăn gia truyền lâu năm trở thành “thương hiệu” quen thuộc với người dùng. Theo ông, giữa tư duy kinh doanh truyền thống (hoàn toàn tự phát) và tiến đến việc xây dựng thương hiệu (có đăng ký bản quyền), có điều gì đáng nói?
Những quán ăn lâu đời, gia truyền nhiều năm sau đó trở thành thương hiệu là những mô hình kinh doanh ẩm thực đáng được trân trọng. Tuy nhiên nếu soi chiếu từ góc nhìn kinh doanh hay đóng góp cho xã hội thì những mô hình này không thực sự có quá nhiều hiệu ứng tích cực, bởi đóng góp về thuế cũng như cung cấp công ăn việc làm cho người lao động ở các mô hình này đều rất hạn chế. Bởi tư duy giữ “bí kíp” làm món, tư duy “gia truyền” nên rất hiếm khi các mô hình này sẵn sàng cho việc mở rộng kinh doanh và làm thương hiệu bài bản.
Vấn đề ở đây không phải là rào cản về mặt tài chính, mà chủ yếu là rào cản ở mặt tư duy và nhận thức.
"Chúng ta luôn tự hào có nền ẩm thực phong phú, sản phẩm ẩm thực ngon, tự hào top món ăn ở tầm quốc tế nhưng thương hiệu ẩm thực mạnh dựa trên nền tảng món Việt Nam hầu như chưa có"
-Từ lùm xùm thương hiệu Phở Thìn, để tránh xảy ra tranh chấp, với những hộ kinh doanh truyền thống cũng như những người muốn mua nhượng quyền thương hiệu, theo ông cần phải làm gì?
Theo quan điểm của tôi, phần lớn những thương hiệu F&B đang rao bán Nhượng quyền trên thị trường hiện tại đều chưa đủ điều kiện để Nhượng quyền bởi một số lý do sau.
Thứ nhất, mô hình kinh doanh chưa được chứng minh; Thứ hai, sản phẩm chưa được đóng gói để chuyển giao vận hành; Thứ ba, thương hiệu chưa được đăng ký bảo hộ và cuối cùng là nhân sự chưa được đào tạo chuẩn mực…
Bên bán nhượng quyền cần thực hiện rất nhiều thứ trước khi sẵn sàng bán nhượng quyền. Bên mua Nhượng quyền cũng cần thẩm định kỹ trước khi xuống tiền mua.
-Có thể chưa khẳng định đúng – sai, nhưng từ câu chuyện trên, ông có lời khuyên gì dành cho những người làm trong lĩnh vực F&B nói riêng và câu chuyện nhượng quyền thương hiệu nói chung?
Đa số những người làm kinh doanh thường hay tập trung vào các tài sản vật chất như nhà xưởng, máy móc trong khi đó lãng quên mất những tài sản phi vật chất như thương hiệu. Nhận thức đúng sẽ giúp cho người kinh doanh cẩn trọng hơn về việc gia tăng và sở hữu đúng những tài sản thương hiệu của mình.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Những ngày qua, câu chuyện về "truyền nhân" Đoàn Hải Trung - được giới thiệu là Giám đốc điều hành thương hiệu phở Thìn 13 Lò Đúc thu hút nhiều sự chú ý trên mạng xã hội. Doanh nhân trẻ này sinh năm 2001, và không phải con ruột của ông Nguyễn Trọng Thìn - nhà sáng lập thương hiệu phở Thìn Lò Đúc. Trên Fanpage Phở Thìn 13 Lò Đúc có tích xanh, ông Nguyễn Trọng Thìn được giới thiệu là chủ sáng lập thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc từ năm 1979. Điều đáng quan tâm, trước thông tin liên quan đến ông Đoàn Hải Trung, được giới thiệu là Giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, một tài khoản Facebook có tên Nguyễn Trọng Thìn - trùng tên với người sáng lập Phở Thìn đã lên tiếng tố những thông tin Hải Trung chia sẻ là bịa đặt. Không rõ nguồn cơn, nhưng ngay sau đó, trên trang cá nhân, "ông Thìn" gọi thông tin này là “một câu chuyện như thật và một vở kịch rất hay”. “Thử xem có nấu được nồi phở chuẩn không mà hiểu phở sau tôi”, ông Thìn nói về nhân vật được mệnh danh là “truyền nhân nấu phở”. Có thể thấy, từ nhiều diễn đàn đã thu hút hàng trăm bình luận với ý kiến khác nhau, nhưng rốt cục thì ai đúng và ai chưa đúng dường như chưa có hồi kết... |