Sức hút của nghề tham vấn học đường ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa: TG |
TS Trần Văn Tính - Chủ nhiệm bộ môn Giáo dục và phát triển con người, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, mục tiêu chung của đào tạo cử nhân về tham vấn học đường là có tính liên ngành, tích hợp kiến thức và kỹ năng của tâm lý học, giáo dục học, tư vấn hướng nghiệp, công tác xã hội. Ngoài ra, chương trình đào tạo cho sinh viên kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm để sử dụng vào các bước của tham vấn học đường.
Cùng với đó là kỹ năng xử lý thông tin đánh giá đầu vào và đưa ra quyết định tham vấn phù hợp; kỹ năng nghiên cứu thực tiễn để phát hiện và giải quyết vấn đề thuộc lĩnh vực tham vấn học đường. Đồng thời có năng lực thực hiện các trắc nghiệm đánh giá khó khăn tâm lý - xã hội và học tập của học sinh, đưa ra bước hỗ trợ, thực hiện hỗ trợ...
Theo TS Trần Văn Tính, cử nhân ngành tham vấn học đường có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Tham vấn tâm lý, cung cấp dịch vụ tâm lý - xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, công tác cộng đồng, đoàn thể… Xã hội càng phát triển, con người gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống. Do vậy nhu cầu về tham vấn tâm lý ngày gia tăng, nghề tư vấn tâm lý có tiềm năng phát triển.
“Hiện nhu cầu tham vấn từ cộng đồng mới phát triển mạnh ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các thành phố, tỉnh thành khác vẫn còn hạn chế do nhận thức và yếu tố kinh tế chưa phát triển. Tuy nhiên, trong tương lai gần, nhu cầu này rất lớn ở tất cả địa phương do nhận thức và kinh tế phát triển mạnh” - TS Trần Văn Tính nhìn nhận.
TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý, Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) thông tin: Các nghiên cứu trên thế giới chỉ rõ, để hỗ trợ tốt cho thầy - trò trong các nhà trường, cứ 300 học sinh cần 1 chuyên gia tâm lý học trường học.
Như vậy, nhân lực tâm lý học trường học, nhất là các chuyên gia được học chuyên sâu về Tâm lý học lâm sàng làm nhiệm vụ đánh giá, trị liệu tâm lý học đường còn rất hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc, cơ hội việc làm cho sinh viên theo học ngành này rất nhiều. Ngoài ra, nếu đặt giả thiết, cứ 3 trường phổ thông có 1 chuyên viên tham vấn chuyên nghiệp, thì cần khoảng 10.000 người cho 30.000 trường phổ thông trên cả nước.
Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông được xem như cú hích quan trọng về mặt pháp lý trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại trường học cho học sinh, trẻ em tại Việt Nam. Trong đó vai trò và vị trí việc làm của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý học lâm sàng, tham vấn học đường tại các đơn vị giáo dục từ cấp tiểu học tới phổ thông là không thể thiếu.