Từ vụ Nguyễn Phương Hằng, bị án được quyền nhận quà và tiền ra sao?

05/04/2024, 18:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phạm nhân có quyền được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền...

Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập công thì được gặp thân nhân thêm một lần trong tháng. Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân thì hai tháng được gặp thân nhân một lần, mỗi lần không quá 1 giờ.

Những người được thăm gặp phạm nhân gồm: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị, em dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.

Người thân khi đi thăm phạm nhân được mang đồ vật vào nhà gặp phạm nhân nhưng không được mang các đồ thuộc danh mục cấm như vũ khí quân dụng, súng săn; chất gây mê; chất cháy; các chất ma túy…

Trường hợp được gặp phạm nhân ở phòng riêng, người thân chỉ được các vật dụng cá nhân như quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược nhựa, nước uống, dụng cụ tránh thai và phòng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nếu gặp vợ hoặc chồng (theo khoản 2 Điều 6 Thông tư 14/2020/TT-BCA quy định chi tiết chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân).

Về đồ gửi cho phạm nhân, theo Điều 52 Luật Thi hành án hình sự năm 2019, khi gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác, phạm nhân được nhận thư, tiền, đồ vật, trừ đồ vật thuộc danh mục cấm.

Do đó, thân nhân có thể đem theo thư, tiền hoặc các đồ vật khác miễn là pháp luật không cấm để gửi vào cho phạm nhân. Những đồ này phải được kê khai vào phiếu gửi đồ vật cho phạm nhân, đồng thời thân nhân phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về đồ vật được gửi.

Cũng cần lưu ý, khi gửi tiền mặt cho phạm nhân, số tiền này sẽ không được đưa trực tiếp cho phạm nhân để tiêu. Số tiền này sẽ được bàn giao về Đội Hậu cần, tài vụ quản lý, và được tính vào Sổ mua hàng hóa của phạm nhân để người này có thể mua các đồ ăn, vật dụng được bán tại căng tin của trại giam.

Mỗi lần gặp phạm nhân, thân nhân chỉ được gửi tối đa 5 kg đồ vật. Ngoài ra mỗi tháng, người thân cũng được gửi tiền và đồ vật cho phạm nhân 2 lần với mỗi lần không quá 3 kg, nếu gửi một lần thì được gửi tối đa 6 kg (theo Điều 9 Thông tư 14/2020/TT-BCA).

Đang bị tạm giữ, tạm giam được nhận quà gì?
Quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015. Trong đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu; được gặp thân nhân, người bào chữa,...
Theo khoản 2 Điều 27 Luật thi hành tạm giữ tạm giam 2015, các loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gửi gồm: tiền, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm). Trong trường hợp đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định tạm dừng việc nhận quà là đồ ăn, uống.
ThS-LS NGUYỄN TRƯƠNG VĂN TÀI, Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/tu-vu-nguyen-phuong-hang-bi-an-duoc-quyen-nhan-qua-va-tien-ra-sao-c46a1557239.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/tu-vu-nguyen-phuong-hang-bi-an-duoc-quyen-nhan-qua-va-tien-ra-sao-c46a1557239.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ vụ Nguyễn Phương Hằng, bị án được quyền nhận quà và tiền ra sao?