Theo luật sư Nghĩa, tại Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định về giấy phép lái xe. Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3. Hạng A2 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
“Nếu xe mô tô có dung tích xi lanh lớn hơn 175 cm3 thì người điều khiển cần có giấy phép lái xe hạng A2 để có thể điều khiển xe tham gia giao thông.
Như vậy, để được phép lái xe phân khối lớn - xe có dung tích xi lanh trên 175 cm3, tài xế phải đủ 18 tuổi và được cấp bằng A2”, luật sư Nghĩa nhấn mạnh.
Mối nguy từ việc giao xe cho người chưa đủ 18 tuổi lái xe trên 50 cm3
Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc, Luật sư X cho biết: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi lái xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 trở lên. Hành vi giao xe mô tô 2 bánh, 3 bánh cho người chưa đủ tuổi điều khiển cũng là hành vi phạm luật. Tài xế lẫn người giao xe cho người chưa đủ 18 tuổi lái xe máy trên 50 cm3 hay xe phân khối lớn đối mặt với nhiều nguy cơ pháp lý, có thể bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự.
Theo luật sư Nghĩa, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người từ 14 – 16 tuổi điều khiển xe máy trên 50 cm3 sẽ bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng. Người giao xe máy trên 50 cm3 cho người chưa đủ tuổi điều khiển sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 - 4.000.000 đồng đối với tổ chức.
Trong trường hợp người chưa đủ tuổi lái xe máy trên 50 cm3 gây ra tai nạn chết người, ngoài người điều khiển thì người giao xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Về mức xử phạt, tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” gây tai nạn chết người 1 thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu làm chết 2 người sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
"Cơ quan chức năng phải làm rõ, tài xế được chủ xe giao cho sử dụng hay tài xế tự ý lấy sử dụng mà không được sự đồng ý của chủ xe, từ đó mới có căn cứ xem xét trách nhiệm" - luật sư Nghĩa phân tích.
Về việc phải bồi thường trong các vụ tai nạn, luật sư Nghĩa cho hay, căn cứ bồi thường sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, bên có lỗi sẽ phải bồi thường cho bị hại. Việc bồi thường sẽ dựa trên nguyên tắc của Bộ luật Dân sự 2015, sử dụng tài sản của người gây tai nạn, nếu người gây tai nạn không đủ thì sẽ sử dụng phần còn thiếu bằng tài sản của cha mẹ để bồi thường.
"Tình trạng người chưa đủ tuổi điều khiển xe máy trên 50 cm3 hiện nay rất phổ biến. Không ít vụ tai nạn thương tâm do người chưa đủ 18 tuổi lái xe trên 50 cm3 và nạn nhân tử vong chính là tài xế. Để tránh những tai họa thương tâm ập tới gia đình, các bậc phụ huynh khi cần phải nghiêm khắc, quản lý con chặt chẽ, không để con em lái xe máy, xe mô tô khi chưa đủ các điều kiện”, luật sư Nghĩa nói.