Văn hóa

Tưng bừng lễ hội truyền thống kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Thanh Sơn 16/03/2024 10:36

(GDTĐ) - Ngày 15/3 (tức mùng 6 tháng 2 âm lịch), tại cụm di tích đền, chùa, đình Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân). Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2024).

anh-so-1-le-hoi-hai-ba.jpg
Nghi lễ Tuyên cáo văn

Tham dự sự kiện có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền, lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

anh-so-2-le-hoi-hai-ba.jpg
Các đại biểu dâng hương tại đền Hai Bà Trưng

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng nhân dân địa phương và du khách thập phương đã tham dự lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược Đông Hán ra khỏi bờ cõi đất nước, khôi phục “nghiệp xưa họ Hùng”, độc lập, tự chủ cho dân tộc.

Cuộc khởi nghĩa đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, in đậm trong tình cảm mỗi người dân Việt như một huyền thoại, Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí vươn lên và tinh thần quật khởi - “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam.

anh-so-3-le-hoi-hai-ba.jpg
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền đọc diễn văn khai mạc

Tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban tổ chức lễ hội, đọc diễn văn khai mạc nêu rõ, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo, hiên ngang phủ nhận cường quyền phương Bắc.

Cuộc khởi nghĩa làm chấn động cả cõi trời Nam và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa lịch sử này cũng đã khắc dấu son đầu tiên, khẳng định vai trò to lớn của người phụ nữ Việt trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, làm vẻ vang, rạng danh non sông đất nước. Tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng và các danh tướng, nghĩa sĩ, khắp trên cả nước, đâu đâu cũng có di tích gắn với cuộc khởi nghĩa lịch sử, với hoạt động lễ hội kỷ niệm được tổ chức thường niên, góp phần gìn giữ truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục lịch sử cho các thế hệ.

anh-so-4-le-hoi-hai-ba.jpg
Biểu diễn trống hội

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, quần thể đền, chùa, đình Hai Bà Trưng là một quần thể di tích đặc sắc hiếm có tại trung tâm Thủ đô, mà nổi bật là đền Hai Bà Trưng với kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Trong đền hiện lưu giữ nhiều di vật quý, như: 27 đạo sắc phong của triều Lê và triều Nguyễn, tám pho tượng thờ, hai tấm bia đá cổ ghi sự tích Hai Bà Trưng, hai bộ kiệu thời Nguyễn.

Với những ý nghĩa và giá trị về lịch sử, năm 2019, Di tích đền, chùa, đình Hai Bà Trưng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. “ Cùng với di tích quốc gia miếu thờ Hai Bà Trưng, phường Bạch Đằng, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền, chùa, đình Hai Bà Trưng là điểm tham quan thường xuyên của du khách gần xa. Đây là niềm vinh dự và tự hào của Thủ đô Hà Nội nói chung và quận Hai Bà Trưng nói riêng”, bà Hiền nhấn mạnh.

anh-so-5-le-hoi-hai-ba.jpg
Múa rồng

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết:Tự hào là con cháu Hai Bà Trưng, phát huy truyền thống quật khởi của hai vị nữ anh hùng dân tộc, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hai Bà Trưng luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân. “ ý nghĩa cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vô cùng vĩ đại. Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn lưu mãi sử xanh. Quận Hai Bà Trưng sẽ vững bước tiến lên, mãi mãi xứng đáng là quận được vinh dự mang tên hai vị nữ anh hùng của dân tộc”, bà Hiền khẳng định.

anh-so-6-le-hoi-ha-ba.jpg
Tái hiện cảnh Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa

Tại lễ kỷ niệm các đại biểu đã được xem biểu diễn lân, rồng, trình diễn màn trống hội và xem màn sử thi nghệ thuật truyền thống Hai Bà Trưng. Lễ hội chính năm nay diễn ra vào ngày 15/3 (tức ngày 6 tháng Hai âm lịch) gồm các hoạt động: Lễ dâng hương và lễ cấp thủy trên sông Hồng theo truyền thống tín ngưỡng.

Bên cạnh đó, còn có các hoạt động vui chơi truyền thống, biểu diễn văn nghệ nhằm tăng sức hấp dẫn cho lễ hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần tạo thêm một điểm đến hấp dẫn của Thủ đô cho du khách gần xa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tưng bừng lễ hội truyền thống kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng