Nhiều người đã sơ tán về miền Nam Gaza theo lời kêu gọi của Israel nhưng vẫn còn hàng trăm ngàn người ở lại, chịu đựng hơn 3 tuần bom đạn trong cảnh ngặt nghèo về thực phẩm, nước uống, thuốc men, nhiên liệu..., còn các bệnh viện quá tải đang trên bờ vực sụp đổ.
Hàng trăm ngàn dân thường Palestine chen chúc trong các cơ sở của Liên Hiệp Quốc, bám víu hy vọng được an toàn. Tuy nhiên, 4 trường học của Liên Hiệp Quốc ở miền Bắc Gaza và trại tị nạn Bureij ở miền Trung liên tiếp bị không kích những ngày gần đây. Đến nay đã có hơn 9.000 người Palestine thiệt mạng ở Gaza, trong đó có hơn 3.700 trẻ em; hơn 32.000 người bị thương, theo cơ quan y tế Gaza.
Israel chưa phản hồi kêu gọi "tạm đình chiến" của tổng thống Mỹ, song Thủ tướng Benjamin Netanyahu tỏ rõ quyết tâm nghiền nát Hamas với tuyên bố hôm 2-11: "Chúng tôi đang tiến quân... Không gì ngăn được chúng tôi".
Một câu hỏi nữa mà Ngoại trưởng Blinken hy vọng tìm được đáp án qua chuyến công du Trung Đông lần này là kế hoạch tiếp theo một khi Hamas không còn kiểm soát Dải Gaza - điều mà cả Israel lẫn Mỹ dường như chưa có mường tượng cụ thể.
Trong tuần này, ông Blinken từng đề xuất Chính quyền Dân tộc Palestine (PA) - tổ chức hành chính được thành lập năm 1994 theo Hiệp định Oslo giữa Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và chính phủ Israel nhằm cai quản các vùng của lãnh thổ Palestine - sẽ điều hành Gaza.
PA từng kiểm soát Gaza nhưng Hamas giành được quyền trên sau cuộc bỏ phiếu năm 2007. PA hiện quản lý một số khu vực ở Bờ Tây.
Giải pháp hai nhà nước cũng được nhiều bên thúc đẩy nhằm đạt được hòa bình lâu dài và bền vững cho khu vực, song hiện tại Israel lẫn chính quyền Palestine có vẻ đều không hứng thú ngồi xuống thương lượng.
Tại Israel, ngoài 5.400 người bị thương và hơn 1.400 người thiệt mạng kể từ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas hôm 7-10, hiện có khoảng 250.000 người phải sơ tán khỏi các thị trấn gần biên giới với Lebanon.
Rốc-két từ Gaza và đụng độ hằng ngày giữa Israel và nhóm Hezbollah ở Lebanon khiến cuộc sống của hàng triệu người Israel bị ảnh hưởng.