Mặc dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực như trên, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, trên thực tế vẫn còn có một số tồn tại hạn chế và thách thức.
Thứ nhất, về thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ. Khung khổ pháp lý đối với ngành logistics được ban hành nhiều văn bản, song các chính sách cụ thể, chi tiết hóa các cụ thể các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics còn hạn chế, không đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.
Thứ ba, hoạt động của các doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế trên các mặt quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực… Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.
Thứ tư, nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên viên logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, như giao nhận, kho bãi…
Cũng chia sẻ tại Hội nghị. ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành SLP Vietnam cho rằng, Việt Nam cần tập trung tăng cường cơ sở hạ tầng của ngành logistics, bao gồm mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển.
Cùng với đó, việc đầu tư vào hệ thống kho thông minh, trung tâm phân phối và cơ sở vật chất đa phương thức hiện đại sẽ hợp lý hóa hoạt động và cho phép vận chuyển hàng hóa hiệu quả hơn; Áp dụng các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu và tự động hóa có thể tăng cường đáng kể hiệu quả hoạt động, quản lý hàng tồn kho, tối ưu hóa tuyến đường và dịch vụ khách hàng.
“Bằng cách tập trung vào những khía cạnh này và điều chỉnh các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu, ngành logistics của Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia và tạo thuận lợi cho thương mại toàn cầu”, ông Edwin Chee nói.
Còn theo bà Phạm Thị Bích Huệ, Sáng lập và Chủ tịch Công ty Western Pacific, con đường phía trước của ngành logistics Việt Nam là đầy kỳ vọng và rất nhiều màu xanh. Chúng ta đã nhìn thấy những tín hiệu rất tốt từ phía Chính phủ. Tuy nhiên, điểm nghẽn vẫn là làm sao để giảm chi phí.
Theo bà Huệ, để ngành này phát triển, chúng ta cần nhìn lại định danh ngành logistics đang bao gồm rất nhiều ngành, nên cần phải luật hóa các ngành trong logistics để doanh nghiệp dễ triển khai và kêu gọi nhà đầu tư. Tổng chi phí logistics của Việt Nam trong khu vực còn rất cao. Nếu chi phí vận tải trung bình của các nước chỉ là 30 - 40%/tổng chi phí thì của Việt Nam đang là khoảng 60%.
“Phải thay đổi từ con số chi phí vẫn còn rất lớn này. Ngoài ra, điểm nghẽn nữa là quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ và địa phương hóa vùng miền chưa đáp ứng được nhu cầu cần của khách hàng. Hiện nay, xây dựng hạ tầng còn mang tính hình thức chưa địa phương hóa theo nhu cầu vùng miền…”, bà Huệ cho biết.