“Vì bộ môn này chưa được phổ biến nên việc tìm hiểu tương đối khó khăn, không có nhiều tài liệu về bộ môn này để nghiên cứu. Thời gian tập luyện của chúng tôi cũng khá ngắn so với các nước có chơi loại cờ này từ lâu như Campuchia, Thái Lan…”, Diệu Uyên chia sẻ.
Cũng đã có kinh nghiệm dày dặn trong làng cờ vua với 18 năm tập luyện và thi đấu, nữ kỳ thủ xinh đẹp Nguyễn Hồng Nhung (26 tuổi) cũng được gửi gắm cho mục tiêu “săn” HCV cờ Ouk Chaktrang tại SEA Games 32.
Với khoảng 1 năm tập luyện cờ “ốc”, Hồng Nhung và đồng đội được Liên đoàn cờ Việt Nam rèn giũa khi đưa nội dung cờ này vào thi đấu tại các giải quốc gia, hay tham gia các chuyến tập huấn và thi đấu tại Campuchia.
Phạm Thanh Phương Thảo (24 tuổi) đã có 18 năm thi đấu cờ vua và từng đạt nhiều huy chương ở các giải quốc gia. Cô còn từng giành HCV tại giải vô địch cờ vua trẻ châu Á.
Sau hơn 8 tháng tập luyện cờ “ốc”, Phương Thảo cho biết những điểm khác biệt của cờ Ouk Chaktrang mang đến sự thú vị riêng và bản thân không gặp quá nhiều khó khăn khi tiếp xúc với bộ môn này.
Gương mặt còn lại là Tôn Nữ Hồng Ân (31 tuổi). Đây cũng là cái tên dày dạn kinh nghiệm nhất với 25 năm thi đấu và đang là kiện tướng cờ vua thế giới.
Ở SEA Games sắp tới, Hồng Ân được lựa chọn thi đấu ở nội dung đôi nữ 60 phút, 1 trong 2 nội dung được kỳ vọng nhất sẽ giành HCV. Hồng Ân cho biết cô có áp lực, nhưng coi nó như động lực để quyết tâm giành thành tích cao nhất cho quốc gia.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Thắng, sức cờ của các nữ VĐV Việt Nam không hề kém cạnh, thậm chí có phần tốt hơn so với Campuchia và Thái Lan, 2 quốc gia đã phát triển bộ môn cờ này suốt hàng trăm năm qua.
Các thành viên của đội tuyển cờ Ouk Chaktrang Việt Nam chính là đội tuyển thi đấu sớm nhất tại SEA Games 32 của đoàn Việt Nam.