Tuyển sinh chuyên nghiệp vùng cao 'vào mùa'

Hà Linh | 05/08/2022, 17:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong khi nhiều lớp trung cấp đã bắt đầu rộn ràng chào đón tân học sinh thì hệ đào tạo cao đẳng của các trường chuyên nghiệp tại Điện Biên vẫn đang trên “đường đua”. Để bảo đảm chỉ tiêu, các trường đã và đang dần đổi hướng trong “chiến lược” truyền thông.

Rộng cửa đón trò

Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên tấp nập chào đón 229 học sinh từ các huyện về nhập học hệ trung cấp. Ngay khi về trường, các em đều được sắp xếp, bố trí ăn nghỉ tại ký túc xá và hỗ trợ làm quen với môi trường mới.

Sau vài ngày nghỉ ngơi, các em được tham quan, giới thiệu mô hình học tập ở mỗi ngành, nghề đào tạo của nhà trường. Dựa trên nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình và điều kiện thực tế tại nơi sinh sống, ngày 28/7 các em chính thức đăng ký ngành học, với sự hỗ trợ, tư vấn của giáo viên nhà trường.

Cũng như nhiều bạn khác, em Mùa A Kinh (SN 2007) một mình bắt xe từ huyện biên giới Mường Nhé về đây nhập học. Năm vừa qua, Kinh hoàn thành chương trình lớp 9, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn lại đông con nên em xác định sớm đi làm để phụ giúp bố mẹ.

Kinh tâm sự: “Từ trong năm học, thầy cô trường Nghề đã đến tận nơi để giới thiệu, tư vấn. Ban đầu em còn chút băn khoăn. Nhưng khi nghe phân tích em thấy đi học nghề là hợp lý nhất. Em đăng ký học lái máy xúc và tiếp tục học văn hóa. Bởi vì nghề này vẫn cần nhiều lao động, nên cơ hội việc làm cao”.

Năm học này, Trường Cao đẳng Nghề dự kiến tuyển sinh trên 300 chỉ tiêu trình độ trung cấp, 200 chỉ tiêu cao đẳng, với 15 ngành nghề khác nhau. Theo ông Trương Trường Giang, Phó Trưởng phòng Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, để tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho mọi học sinh, công tác tuyển sinh được chia làm nhiều giai đoạn.

Tuyển sinh chuyên nghiệp vùng cao 'vào mùa' ảnh 1

Giáo viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên làm thủ tục nhập học cho học sinh trình độ trung cấp khóa mới.

“Giai đoạn 1 diễn ra từ tháng 1 – 6, cao điểm là tháng 3 – 5. Với giai đoạn này, đơn vị tổ chức nhiều đoàn đến từng địa bàn, trường THCS, THPT để làm công tác tư vấn, tuyển sinh. Giai đoạn 2 đang diễn ra đến hết tháng 8, với các hoạt động tổ chức nhập học song song tuyển sinh trình độ cao đẳng. Ngoài ra, thì trường sẽ có 1 đợt tuyển sinh, nhập học bổ sung vào cuối tháng 9 – 12, nhằm tạo cơ hội cho số học sinh trượt các nguyện vọng cao hơn”, ông Giang cho hay.

Còn tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, trong 2 ngày (15, 16/7), các chuyến xe đón tân học sinh liên tiếp “lăn bánh”. Số này tập trung tại địa bàn các huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ và xã Na Ư (huyện Điện Biên).

Ông Trần Văn Dũng, Phó phòng Đào tạo, hướng nghiệp, tư vấn việc làm chia sẻ: “Học sinh nhập học chỉ cần chuẩn bị tư trang, hành lý về trường nhập học mà không phải chịu bất cứ chi phí di chuyển nào. Nhiều học sinh ở các địa bàn vùng cao xa xôi, cách trường hàng trăm cây số. Khi được nhà trường đón thì gia đình rất phấn khởi. Đây vừa là hoạt động hỗ trợ, thể hiện sự quan tâm, đồng thời cũng nhằm bảo đảm an toàn nhất cho học sinh nhà trường”.

Cũng theo ông Dũng, mục tiêu của nhà trường là không chỉ chiêu sinh mà còn tạo cơ hội học tập bình đẳng, giúp học sinh không bỏ học giữa chừng. Bởi vậy, các em đều được hỗ trợ tối đa trong khả năng của nhà trường.

Tuyển sinh chuyên nghiệp vùng cao 'vào mùa' ảnh 2
Học sinh hệ trung cấp khóa mới Trường Cao đẳng Nghề đăng ký ngành nghề theo học.

Chuyển hướng truyền thông

Theo đại diện Trường Cao đẳng Nghề chia sẻ, thì do xu hướng dịch chuyển ngành nghề nên công tác tuyển sinh của nhà trường gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là đối với hệ cao đẳng. Cùng thời điểm này năm trước, số hồ sơ hệ này đã đạt 132/152 chỉ tiêu. Tuy nhiên, năm nay mới chỉ ghi nhận khoảng 50 hồ sơ đăng ký.

“Quá trình tư vấn, tuyển sinh gần đây chúng tôi nhận thấy nhiều học sinh sau khi học xong chương trình lớp 12 thì có xu hướng về các tỉnh, thành dưới xuôi tìm kiếm việc làm. Đa phần các em đi theo giới thiệu của người thân, song hiện nay nhiều công ty, doanh nghiệp cũng đã tìm về tận các xã, bản để chiêu mộ lao động. Vì chưa có tay nghề nên chủ yếu các em làm những việc phổ thông, như: Phụ hồ, giúp việc…”, ông Trương Trường Giang cho hay.

Tuy nhiên, xác định đây là khó khăn chung nên để đạt chỉ tiêu đề ra Trường Cao đẳng Nghề chuyển hướng truyền thông. Thay vì chỉ tập trung vào các trường THCS, THPT, hiện nay nhà trường đã kết nối, mở rộng hệ thống cộng tác viên đến tận địa bàn dân cư. Đó là cán bộ, đoàn thể cấp xã; trưởng thôn, bản và đặc biệt là số học sinh đang theo học tại trường.

Nắm bắt thông tin về kế hoạch tuyển sinh và các chế độ ưu đãi của Trường Cao đẳng Nghề từ người chị cùng bản, Vàng Thị Xinh (SN 2007), bản Pá Xoan, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà đã đăng ký ngành học Công tác xã hội tại đây.

Xinh tâm sự: “Bản em cũng có nhiều người học ở trường. Các anh chị đi học được hỗ trợ nhiều. Gia đình em hoàn cảnh khó khăn, thấy như vậy là phù hợp nên đăng ký. Lúc xuống trường thì em được thầy cô tư vấn kỹ hơn. Ngành này phù hợp với con gái, ra trường lại dễ xin việc nên em chọn”.

Còn tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, hiện nay thông tin tuyển sinh vẫn liên tục được cập nhật, chia sẻ trên hệ thống các trang mạng xã hội. Đại diện đơn vị cho hay, nhà trường liên tiếp triển khai nhiều giải pháp, hình thức truyền thông khác nhau, tương ứng từng đối tượng, thời điểm.

“Từ tháng 4 đến kết thúc năm học 2021 – 2022, đơn vị đã tư vấn nghề nghiệp tại 76 trường, cho hơn 6.200 học sinh THCS, THPT. Song song với đó là cập nhật, giới thiệu, thông tin tuyển sinh sâu rộng trên trang điện tử, Facebook, Zalo và truyền thông qua nhóm cộng tác viên tại các địa bàn”, ông Dũng thông tin.

Đến thời điểm này, tuyển sinh trình độ trung cấp tại trường đã vượt chỉ tiêu đề ra, với 500 hồ sơ đăng ký. Trong đó 330 học sinh nhập học/270 chỉ tiêu. Các ngành nghề thu hút nhất là: Bán hàng trong siêu thị, nghiệp vụ nhà hàng khách sạn, chăn nuôi thú y, xây dựng, tin học...

“Đặc biệt, thời gian gần đây trường chú trọng hợp tác, ký kết với nhiều công ty theo từng ngành nghề đào tạo, để tìm kiếm đầu ra cho học sinh sau tốt nghiệp. Điều này cũng được giới thiệu, nêu rõ ràng trong quá trình tuyển sinh, giúp các em và gia đình yên tâm chọn lựa. Đây vừa là giải pháp hỗ trợ cho học sinh, song cũng là cách truyền thông thiết thực nhất cho công tác tuyển sinh của nhà trường”, ông Trần Văn Dũng cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển sinh chuyên nghiệp vùng cao 'vào mùa'