Hội nghị nghe 3 tham luận của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT và 11 ý kiến từ đại diện các trường đại học.
Các đại biểu đã làm rõ kết quả và giải pháp về công tác quản lý chất lượng, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; công tác thanh tra, kiểm tra khối giáo dục đại học.
Đại diện các cơ sở giáo dục đại học cũng đã có các trao đổi, kiến nghị xung quanh các nội dung nhiệm vụ trọng tâm cần thống nhất triển khai trong năm học 2023-2024.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội phát biểu ý kiến. Ảnh: Như Quỳnh |
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết, tự chủ đại học là tất yếu, hiện phần lớn các trường đại học đã thực hiện việc này.
Ông Nguyễn Hữu Tú kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ các trường trong việc thực hiện tự chủ, đặc biệt là tài chính. Nếu không có chính sách hỗ trợ, các trường rất khó khăn, nhất là các trường mới tự chủ trong những năm gần đây.
“Tôi mong Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất Nhà nước, Chính phủ có thêm chính sách tài chính cho các trường này”, GS.TS Nguyễn Hữu Tú nói.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, thành công là các trường đại học phát triển tốt; thành tựu của chuyển đối số khi tuyển sinh không cần đến giấy tờ, hệ thống đăng ký xét tuyển cả triệu thí sinh hoạt động trơn tru.
Thống nhất với báo cáo đánh giá kết quả giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT, song ông Lê Trường Tùng cho rằng: Qua báo cáo cho thấy vẫn còn tập trung nhiều vào tuyển sinh - đầu vào, mà không có số liệu đầu ra.
“Nói gì thì nói vẫn phải quan tâm tới đầu ra. Bao nhiêu người rời bỏ hệ thống, không thể tốt nghiệp đại học. Đặc biệt khi đã có hệ thống HEMIS quản lý chặt chẽ đến từng người học”, ông Lê Trường Tùng nêu vấn đề.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và sự kiện, Bộ GD&ĐT. |
Một số đại biểu khác nêu những khó khăn trong việc triển khai Đề án 89, công tác kiểm định chất lượng.
Năm học 2022-2023, đội ngũ giảng viên đại học gia tăng về số lượng và chất lượng. Triển khai Đề án 89 về đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học, năm 2022, có 187 cán bộ, giảng viên được đào tạo trong nước (đạt 24%), 80 đi đào tạo ở nước ngoài (đạt 32%). Năm 2023, con số này lần lượt là 118 trong nước (đạt 37%), 130 nước ngoài (đạt 64%).
Số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến tháng 8/2023, có 261 cơ sở đào tạo hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn trong nước; 194 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước; 9 cơ sở đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.