Giáo dục

Tuyển sinh lớp 10: Những chuyện gây bức xúc (Bài 1)

13/08/2024 10:38

Theo quy định, tuyển sinh vào lớp 10 thuộc thẩm quyền của địa phương.

Dù đã có quy định để bảo đảm tính khách quan, công bằng, song thực tế ở một số địa phương vẫn xảy ra những bất thường trong công tác chấm thi, khiến dư luận bức xúc.

Thay đổi điểm sau phúc khảo

Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, có những địa phương số lượng bài thi thay đổi điểm sau phúc khảo khá nhiều, thậm chí mức chênh lệch điểm bất thường. Điều này cho thấy công tác chấm thi còn những hạn chế, sai sót.

Ngày 29/7/2024, Thanh tra Sở GD&ĐT Đắk Lắk có Kết luận số 87/KL-TTr về thanh tra công tác chấm phúc khảo kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Theo Kết luận này, có 105/685 bài đăng ký phúc khảo thay đổi điểm từ 0,25 trở lên; trong đó, 67 bài tăng điểm và 11 bài giảm điểm.

Có 2 bài phải đối thoại giữa cán bộ chấm thi phúc khảo và cán bộ chấm thi, gồm: 1 bài tăng 0,5 so với điểm chưa phúc khảo do cán bộ chấm thi số 1 và số 2 vào điểm nhầm trên biên bản thống nhất và bài thi; 1 bài tăng 1 điểm so với điểm chưa phúc khảo.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo thông báo của sở GD&ĐT, số bài chấm phúc khảo của tỉnh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay là 1.283; gồm 640 bài Ngữ văn, 305 bài Toán, 278 bài Tiếng Anh; 60 bài môn chuyên. Kết quả, 55 thí sinh được thay đổi kết quả; trong đó, 52 thí sinh phúc khảo bài thi và 3 thí sinh bổ sung diện ưu tiên; 38 thí sinh đỗ thêm sau phúc khảo.

Ninh Thuận cũng là địa phương có khá nhiều bài thi thay đổi điểm sau phúc khảo kỳ thi vào lớp 10 năm nay. Theo đó, tổng số 195 thí sinh phúc khảo bài thi thì có đến 97 bài được điều chỉnh điểm tăng. Số bài thay đổi điểm nhiều nhất rơi vào các môn chung là Ngữ văn (42 bài), Toán (38 bài), Tiếng Anh (8 bài). Môn chuyên có 9/53 bài thay đổi điểm.

Được biết, theo quy định của Quy chế tuyển sinh THPT trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, bài thi được điều chỉnh điểm khi có điểm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm đợt đầu đã công bố từ 0,25 trở lên. Cùng với việc đề nghị các Điểm thi thông báo, niêm yết công khai danh sách thí sinh có điểm phúc khảo được điều chỉnh, Sở GD&ĐT Ninh Thuận đồng thời giao phòng Nghiệp vụ dạy và học theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cập nhật dữ liệu, lưu trữ hồ sơ tuyển sinh; tiếp nhận, xử lý thông tin sau khi có thông báo kết quả phúc khảo…

Trường hợp tại Thanh Hóa khá hi hữu khi có một thí sinh điểm chấm đợt đầu với môn Toán chuyên là 1, nhưng sau phúc khảo được tăng lên 9; lý do được sở GD&ĐT thông tin là giáo viên vào điểm có sai sót. Cùng với thí sinh này có thêm 5 bài thi chuyên thay đổi điểm sau phúc khảo; trong đó 4 bài tăng từ 0,8 đến 3,25 điểm; 1 bài hạ 2,5 điểm.

Tuy nhiên, gây chú ý dư luận nhiều nhất năm nay là sự việc tại Thái Bình. Ngày 16/6, sau khi tra cứu điểm thi vào lớp 10, thấy điểm số không phản ánh đúng kết quả làm bài, nhiều phụ huynh, học sinh đã nộp đơn phúc khảo. Kết quả, nhiều bài thi có điểm được chấm trước và sau phúc khảo chênh lệch lớn.

Vì bức xúc, một số phụ huynh viết đơn tố cáo và Thanh tra tỉnh Thái Bình đã quyết định thành lập đoàn thanh tra đột xuất để làm rõ. Ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình bị tạm đình chỉ công tác trong 15 ngày để phục vụ việc thanh tra.

Trong đơn tố cáo, những câu hỏi được phụ huynh đặt ra: Những thí sinh không phúc khảo sẽ thiệt thòi thế nào? Thí sinh phúc khảo lên điểm từ trượt thành đỗ thì tương ứng sẽ phải có cháu xuống điểm hoặc từ đỗ thành trượt. Thế nhưng hiện tại không thấy cháu nào bị hạ điểm? Vậy những cháu đỗ, điểm cao có đúng điểm số của mình hay không?...

tuyen sinh lop 10a.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Làm rõ để bảo đảm công bằng

Với kinh nghiệm gần 30 năm làm thi, trải qua nhiều công việc ở hầu hết khâu của kỳ thi, thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị đưa một số nguyên nhân có thể dẫn đến sai sót về điểm thi. Thứ nhất là lỗi từ giáo viên chấm bài lần 1; nhưng khả năng này rất ít xảy ra, nếu có cũng chỉ là một vài trường hợp do giám khảo cộng nhầm điểm.

Nguyên tắc chấm một bài thi tự luận phải trải qua 2 vòng độc lập, nên rất hiếm xảy ra sai sót. Vả lại, giám khảo chấm bài thường làm kỹ, vì đạo đức nghề nghiệp, uy tín công việc. Thứ hai, lỗi do bộ phận nhập điểm; nhưng trường hợp này cũng khó xảy ra vì có bộ phận đọc dò, giám sát, kiểm tra và hỗ trợ của phần mềm, nên nếu sơ suất cũng chỉ một vài trường hợp. Thứ ba là sai sót ở Hội đồng chấm phúc khảo, giám khảo cố tình can thiệp vào bài làm của thí sinh để nâng điểm có chủ đích.

“Một đồng nghiệp ở tỉnh khác từng chia sẻ với tôi về việc có hiện tượng chấm khoán và tính tiền theo bài chấm. Giám khảo vì vậy chấm rất nhanh, thậm chí chấm vòng 2 chỉ cần nhận phiếu điểm của người chấm vòng 1 và sao chép là xong. Với việc sai lệch điểm lớn sau phúc khảo và xảy ra ở nhiều bài thi, tôi cho rằng, Hội đồng chấm thi đã bỏ qua các bước của Quy chế chấm thi. Đây là kỳ thi quan trọng, tác động lớn đến quyền lợi của học sinh, nên chăng chấp nhận tốn kém, cần tổ chức chấm lại và giải quyết triệt để”, thầy Lê Văn Hòa chia sẻ.

Chia sẻ về vụ việc ở Thái Bình, ông Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa, Hà Nội nhận định là nghiêm trọng. Hiện tượng này khó được giải thích do quy trình kỹ thuật thuần túy. Cơ chế chấm chéo về mặt xác suất khó tạo nên cả số lượng lẫn biên độ chênh lệch điểm phúc khảo. Cơ quan chức năng cần sớm làm rõ liệu có bất cứ sự can thiệp chủ đích đến kết quả của điểm không. Nếu không có lý giải xác đáng sẽ ảnh hưởng đến tính vẹn toàn của cả kỳ thi năm 2024.

Thanh tra vào cuộc

Liên quan đến kỳ thi vào lớp 10 năm nay, Bộ GD&ĐT và cả địa phương đã tiến hành thanh tra và phát hiện có những sai sót liên quan đến công tác chấm thi.

Tại Bắc Giang, ngày 5/7/2024, Thanh tra sở GD&ĐT đã có Kết luận số 75/KL-TTr về việc thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức chấm thi, phúc khảo kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, kỳ kiểm tra/đánh giá tuyển sinh lớp 6 trường PTDTNT năm học 2024 - 2025. Bên cạnh ưu điểm, Kết luận cũng đưa ra hai hạn chế, đó là: Còn ủy viên đánh phách chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao (1 túi bài đánh phách chưa đảm bảo); việc vận dụng đáp án của một số cán bộ chấm thi chưa linh hoạt dẫn tới chênh lệch điểm giữa hai lần chấm.

Căn cứ Kết luận, Chánh Thanh tra sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 THPT, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế để thực hiện tốt hơn trong các kỳ thi tiếp theo. Đồng thời, tăng cường tổ chức nghiên cứu, học tập Quy chế thi; quán triệt ý thức làm việc cho cán bộ, giáo viên trước khi đi làm thi.

Ngày 17/7, Thanh tra Bộ GD&ĐT có Kết luận thanh tra số 26/KL-TTr về công tác chỉ đạo và thực hiện quy chế tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hải Phòng đối với việc chấm thi vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025. Một vài sai sót được chỉ ra như: Một số giám khảo chưa nắm vững quy chế, còn để xảy ra sai sót trong quá trình chấm thi. Biểu 4 của Biên bản chấm thi không có cột ghi tổng số điểm/số loại điểm nên khi nhập điểm khó đối sánh, dễ dẫn đến nguy cơ sai sót trong khâu nhập điểm. Còn có giám khảo chưa thực hiện đúng quy trình chấm thi tự luận...

Qua kiểm tra xác suất một số bài thi của mấy môn chấm ngày 12 và ngày 13/6/2024 thấy giám khảo chưa thực hiện đúng quy trình và có một số bài thi có dấu hiệu bất thường. Đoàn Thanh tra đã kiến nghị Hội đồng chấm thi, Sở GD&ĐT Hải Phòng rà soát bài thi môn Lịch sử (chuyên), các môn khác (nhất là bài thi có dấu hiệu bất thường) và thực hiện việc xử lý, giải quyết theo quy định. Sở GD&ĐT đã có báo cáo về việc thực hiện nội dung này…

Về biện pháp xử lý, đoàn thanh tra đề nghị Hội đồng chấm thi, Sở GD&ĐT Hải Phòng khắc phục các hạn chế, thiếu sót liên quan đến cơ sở vật chất, quy trình chấm thi tự luận, trắc nghiệm... để bảo đảm thực hiện đúng quy định. Sở GD&ĐT Hải Phòng đã có báo cáo giải trình và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác chấm thi, nội dung ghi trong các biên bản ghi nhớ, kiến nghị của đoàn thanh tra và có minh chứng kèm theo.

Kết luận Thanh tra của Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tham mưu Bộ trưởng ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh; quán triệt thực hiện việc phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện đúng theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra nhiệm vụ giáo dục trung học, trong đó có nội dung về công tác tuyển sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuyển sinh lớp 10: Những chuyện gây bức xúc (Bài 1)