Theo đó, đã tổ chức được 2 Hội nghị tuyển sinh, đào tạo nhân lực theo lĩnh vực chuyên sâu, đặc thù về du lịch và logistics. Sẽ còn một số hội nghị chuyên sâu, đặc thù khác về y tế và lĩnh vực khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu.
Bên cạnh đó là hội nghị tuyển sinh đào tạo, việc làm chung trong toàn hệ thống. Tổng cục GDNN đã và đang phối hợp tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương như Hải Dương, Hà Nội, Cần Thơ...
Tổng cục cũng đang tiếp tục hoàn thiện Đề án đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS theo góp ý của Bộ GD&ĐT. Đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ phê duyệt báo cáo Quốc hội để có thể tổ chức đào tạo thí điểm.
Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, với GDNN, tất cả các ngành, nghề được các cơ sở GDNN đăng ký bổ sung khi nhu cầu nhân lực tại vùng, địa phương, ngành, lĩnh vực có nhu cầu đều là ngành “hot”. Tuy nhiên, cũng phải kể đến sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội qua đại dịch. Đó là các lĩnh vực như du lịch, y tế, logistics, kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, sáng tạo phần mềm, nông nghiệp chất lượng cao... đang được người học quan tâm nhiều hơn.
Dịch bệnh Covid-19 với nhiều chiều hướng nảy sinh đã tác động đến toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trên tất cả các lĩnh vực. Những biến động về mặt xã hội đã tạo ra sự bất ổn về lực lượng lao động. Nhất là khi dịch bệnh đã dần được khống chế, hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở cửa trở lại.
Điều đó đã đặt ra bài toán cấp bách về đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho doanh nghiệp và thị trường lao động. Mục đích để đảm bảo phục hồi kinh tế theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.
GDNN đã hướng tới tự chủ theo tinh thần của Nghị định tự chủ số 16 và đã được thay thế bằng Nghị định tự chủ số 60/2021 của Chính phủ. Theo đó, 3 trường được thí điểm tự chủ toàn diện của GDNN đã và đang phát triển.
Đối với các cơ sở GDNN, khi được tự chủ thì việc đảm bảo quyền lợi, duy trì nâng cao trách nhiệm với cán bộ quản lý, nhà giáo, viên chức là yếu tố sống còn. Đó là động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.
Theo số liệu báo cáo tổng hợp, tính đến đầu tháng 6/2022, cả nước đã tuyển sinh được hơn 920 nghìn người, đạt khoảng 48% so với kế hoạch năm và tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp được hơn 70 nghìn người, đạt khoảng 14% kế hoạch. Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác khoảng 850 nghìn người, đạt khoảng 55% kế hoạch.