Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới. Đó là đề thi gắn với thực tiễn, đánh giá năng lực học sinh thay vì kiểm tra kiến thức.
Thời điểm này, cùng với sự nỗ lực tự học, chủ động ôn tập của các học sinh, các nhà trường, thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng “tăng tốc” trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất để các em vững tin bước vào kỳ thi quan trọng này.
Dồn sức cho kỳ thi quan trọng
Hiện tại, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã hoàn tất việc tổ chức cho học sinh lớp 9 kiểm tra học kỳ 2 và đang “tăng tốc”; tập trung tối đa thời gian, nguồn lực để hỗ trợ ôn thi với mong muốn giúp các em đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới.
Tại Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (thành phố Vinh) đã linh hoạt trong dạy học, ôn tập để nâng cao kiến thức cho học sinh. Toàn trường có 247 học sinh lớp 9.
Thầy Nguyễn Minh Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết “Thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo "quy định về dạy thêm, học thêm", nhà trường đã vận động giáo viên tổ chức ôn tập miễn phí cho học sinh. Trong đó, tổ chức dạy phụ đạo đối với các em chưa đạt các môn Văn, Toán, Tiếng Anh từ tháng 3/2025. Ngoài ra từ đầu tháng 5, nhà trường tập trung ôn luyện cho tất cả học sinh khối lớp 9 nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất giúp các em tự tin bước vào kỳ thi”.
Để trang bị kiến thức vững chắc cho học sinh trước Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, thời gian qua, giáo viên “dạy đến đâu, ôn tập đến đó” để học sinh “học đến đâu, chắc đến đó”. Các nhà trường đã chủ động phân loại học sinh, năng lực để xây dựng chương trình dạy học, ôn tập theo từng đối tượng. Giáo viên các bộ môn ôn tập, củng cố, khắc sâu các kiến thức cơ bản, tăng cường việc tổ chức cho học sinh làm các bài kiểm tra ngắn sau mỗi buổi ôn tập giúp các em ghi nhớ kiến thức cũng như rèn luyện kỹ năng làm bài.
Cô Lê Thị Thu Huyền, giáo viên Toán, Trường Trung học cơ sở Lê Lợi chia sẻ: “Bên cạnh việc giao bài tập, hỗ trợ chữa bài, tôi ôn tập cho học sinh theo cấu trúc đề thi tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo và soạn các giáo án riêng để hệ thống ôn tập cho các em đảm bảo hiệu quả và trọng tâm nhất. Với bộ môn Toán, tôi chú trọng vào những câu có sự phân hóa cao như các bài toán thực tế của Đại số/Hình học không gian, các bài toán hệ thức Vi-ét và ứng dụng, các bài hình học phẳng”.
Tại Trường Trung học cơ sở Hà Huy Tập (thành phố Vinh), hầu hết các buổi học tập trung vào việc chữa đề. Là giáo viên phụ trách môn Tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Vân cho rằng, hiện nay, điểm trung bình môn Tiếng Anh của lớp qua 2 lần thi thử đều hơn 7 điểm. Nhưng với tính chất riêng của một lớp Tiếng Anh tăng cường, chị vẫn chưa hài lòng với kết quả đó. Thời gian này, học sinh ôn tập theo từng chủ điểm, tập trung vào ngữ pháp như phần bị động, gián tiếp... Sau mỗi chủ điểm, học sinh sẽ được làm bài để luyện tập. Ngoài ra, giáo viên cũng cho học sinh làm những bài tập tổng hợp theo hình thức thi thử (làm đề thi) để có thể đánh giá chính xác được từng năng lực học sinh. Quá trình soạn đề, giáo viên sẽ tạo ra nhiều mã khác nhau để học sinh có thể tự chữa, tự chấm chéo cho nhau. Kết quả sẽ báo hằng ngày để phụ huynh cùng đồng hành, hỗ trợ. Việc chấm điểm còn giúp giáo viên dạy học đúng đối tượng, định hướng chính xác để phụ huynh lựa chọn trường công sát với năng lực của học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Vân, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở Hà Huy Tập cho biết: “Đây là lứa học sinh đầu tiên thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với môn Tiếng Anh, cấu trúc đề thi cũng có nhiều thay đổi buộc giáo viên và học sinh phải điều chỉnh cách học, cách thi. Chúng tôi đã chủ động biên soạn, xây dựng nguồn đề từ các đồng nghiệp để học sinh được luyện tập nhiều. Vì thế, dù đề thi năm nay có những nét mới nhưng nhờ nghiên cứu kỹ đề mẫu, xem kỹ ma trận để phân tích nên chúng tôi đã ôn tập sát với chương trình”.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hà Huy Tập, trong giai đoạn nước rút, việc dạy học không được tính theo tiết hay theo buổi. Ngược lại, tranh thủ những buổi trống tiết, những tiết học khác đã thi học kỳ hoặc tranh thủ các buổi chiều, giáo viên đều tổ chức ôn thi miễn phí cho học sinh. Sau các lần thi thử, thi khảo sát cuối kỳ, nhà trường yêu cầu các giáo viên chấm kỹ từng bài của học sinh và phân tích điểm mạnh, điểm yếu. Sau đó, nhóm giáo viên phụ trách lớp 9 sẽ cùng họp chuyên môn để xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với từng đối tượng.
“Giảm nhiệt” cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10
Năm học 2024 - 2025, do học sinh trên toàn tỉnh tăng đột biến nên Sở Giáo dục và Đào tạo đã đồng loạt tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các nhà trường. Năm nay, dù số lượng học sinh dự thi dự báo sẽ giảm khoảng 4.000 em nhưng chỉ tiêu vào các trường công lập vẫn không đổi. Đây là tin vui cho các sỹ tử trong mùa thi năm 2025.
Ông Đào Công Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, ngành không giảm chỉ tiêu nhằm giảm áp lực cho các thí sinh, bởi đây là kỳ thi đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, việc giữ nguyên chỉ tiêu cũng nhằm giữ ổn định quy mô trường lớp và đội ngũ giáo viên của các nhà trường.
Thực tế cho thấy, do số lượng thí sinh giảm khá nhiều nên hiện nay, nhiều nhà trường đã dự báo tỷ lệ trúng tuyển năm nay sẽ khá cao. Tại Thanh Chương, qua thống kê, năm nay toàn huyện có 2.925 học sinh lớp 9, giảm gần 700 em so với năm học 2024 - 2025.
Theo thầy Nguyễn Văn Thuần, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Cảnh Chân, dự kiến chỉ tiêu của 7 trường bậc trung học phổ thông công lập trên địa bàn huyện sẽ tương đương với tổng số học sinh lớp 9 hiện nay. Vì vậy, ngoài các em đỗ vào các trường chuyên và trường dân tộc nội trú ở thành phố Vinh, một số em đi học trường nghề, các em còn lại đều có cơ hội vào lớp 10.
Thành phố Vinh vốn là điểm nóng về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng qua thống kê cho thấy, năm học này, số lượng thí sinh dự thi sẽ giảm khoảng 2.000 em so với năm học 2024 - 2025. Điều này khiến cuộc đua vào lớp 10 công lập ở thành giảm nhiệt.
Thầy Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập cho biết, trường vẫn tuyển sinh 20 lớp (trong đó chỉ có 2 lớp theo hệ tiên tiến) với hơn 1.000 chỉ tiêu. Như vậy, so với năm trước, số lượng thí sinh dự thi giảm nhưng chỉ tiêu tuyển sinh không giảm. Điều này sẽ thuận lợi cho thí sinh khi đăng ký vào trường.
Để thu hút học sinh, thời điểm này, các nhà trường đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ cho các em nhập học ở trường. Cụ thể, Trường Trung học phổ thông Tương Dương 2 (huyện Tương Dương) sẽ trao học bổng cho học sinh giỏi tỉnh, học sinh thủ khoa và học sinh thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. Trường Trung học phổ thông Nguyễn Cảnh Chân (huyện Thanh Chương) cũng thông báo, nếu học sinh trúng tuyển vào trường sẽ có cơ hội được nhận học bổng, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó và sự hỗ trợ, giúp đỡ từ mạng lưới các cựu học sinh của nhà trường.
Đây cũng là năm đầu tiên ngành Giáo dục Nghệ An thực hiện cộng điểm khuyến khích với các học sinh đoạt giải tỉnh, các cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc cơ quan ngang bộ tổ chức nhằm động viên và khích lệ học sinh lớp 9 thi vào lớp 10; đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường công lập.