Theo nhận định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kết quả đăng ký dự tuyển năm nay cho thấy, phụ huynh và thí sinh đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các quy định của thành phố, nắm bắt được năng lực học tập và lựa chọn nguyện vọng đăng ký dự tuyển khá hợp lý. Đáng chú ý là không có hiện tượng đăng ký tập trung ở một vài trường tốp trên.
Trước băn khoăn về việc tại sao Hà Nội không cho phép đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi công bố tỷ lệ chọi như nhiều năm trước, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, đồng thời giúp công tác tổ chức tuyển sinh được khoa học, phù hợp với đặc thù của Thủ đô, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chia các trường trung học phổ thông công lập theo 12 khu vực tuyển sinh.
Đồng thời với việc phân chia khu vực tuyển sinh, Sở quy định mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào trường công lập không chuyên (những năm trước là 2 nguyện vọng), trong đó nguyện vọng cuối cùng có thể nằm ngoài khu vực tuyển sinh theo quy định.
Sở cũng cho phép thí sinh được thay đổi khu vực tuyển sinh để đăng ký nguyện vọng cho phù hợp với năng lực, điều kiện và khả năng của bản thân và gia đình.
Ngoài việc lựa chọn nguyện vọng vào trường công lập không chuyên, học sinh được quyền đăng ký dự thi vào các trường chuyên (2 nguyện vọng) hoặc có thể dự tuyển vào trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên... Sở cũng đã bố trí một khoảng thời gian dài (gần 1 tháng) cho học sinh nghiên cứu, lựa chọn và đăng ký nguyện vọng (từ ngày 31-3 đến 24-4-2023).
Như vậy, quyền lợi đăng ký và cơ hội học tập của học sinh thành phố rất nhiều. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 200 trường trung học phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và hàng chục cơ sở đào tạo nghề có thể đáp ứng đủ nguyện vọng học tập của học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.