Ông Ignat cũng cho hay đây không phải lần đầu tiên máy bay Su-34 Nga bị đánh chặn. Phòng không nước này trước đó đã hai lần bắn rơi mẫu tiêm kích bom này ở mặt trận Bryansk và tỉnh Odessa, nhưng đây là lần đầu tiên ba chiếc Su-34 bị bắn rơi trong một ngày, được coi là tổn thất lớn nhất của không quân Nga kể từ đầu chiến sự.
Valeriy Romanenko, chuyên gia hàng không Ukraine, cho rằng phi công Nga đã không nhận thức được năng lực đánh chặn tầm xa của hệ thống phòng không Patriot.
"Họ bay cùng nhau và bị phát hiện. Họ không lường được rằng tổ hợp Patriot có tầm bắn lên tới 160 km với mục tiêu là máy bay", chuyên gia này nhận định.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Nga gần đây tăng cường sử dụng bom lượn tập kích khu vực sông Dnieper, tiền tuyến mới ở mặt trận Kherson. PS01, tài khoản mạng xã hội chuyên đưa tin về chiến sự Ukraine, cho biết không quân Nga ném trung bình khoảng 100 quả bom xuống khu vực này mỗi ngày.
"Những quả bom lượn của Nga hoàn toàn không thể ngăn chặn, phần lớn được thả một cách chính xác xuống mục tiêu", tài khoản này viết.
Theo chuyên gia quân sự David Axe, khi được thả ở độ cao hàng nghìn mét, những quả bom này có thể bay xa 40 km và gây sát thương trong phạm vi hàng chục mét xung quanh mục tiêu. "Tập kích đối phương bằng bom lượn giúp chiến đấu cơ Nga có thể công kích từ ngoài tầm bắn hiệu quả của phần lớn hệ thống phòng không mặt đất Ukraine", Axe nói.
Các trường hợp phi công Nga mạo hiểm bay gần phòng tuyến để thả bom là cơ hội hiếm hoi để phòng không Ukraine bắn hạ tiêm kích bom của đối phương.
"Nếu phi công Nga tiếp tục mạo hiểm như vậy, thêm nhiều tiêm kích bom của họ sẽ bị bắn rơi", phát ngôn viên Ignat cho hay.