Ứng dụng công nghệ trong dự báo thiên tai vùng Trung du và miền núi phía Bắc

{Ngày xuất bản}

Việc ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong công tác khảo sát, dự báo tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu cho Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là rất cần thiết.

Ứng dụng công nghệ trong dự báo thiên tai vùng Trung du và miền núi phía Bắc- Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HG

Ngày 9/10, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo khoa học "Thúc đẩy ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật góp phần phát triển kinh tế - xã hội Vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhanh và bền vững".

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, tinh thần chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương, kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được phục hồi tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra.

Trong kết quả, thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại các địa phương của cả vùng.

Tuy nhiên, vùng vẫn là vùng còn gặp nhiều khó khăn nhất cả nước; liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc...

Bộ trưởng mong muốn thông qua hội thảo các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học sẽ đề xuất nhiều giải pháp thiết thực cho các địa phương trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, góp phần đưa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ, Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đi vào cuộc sống, tận dụng được các cơ hội phát triển, vượt qua thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, bên cạnh những điều kiện thuận lợi và kết quả đạt được, Cao Bằng và một số tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong 2 tháng qua, một số địa phương, trong đó có tỉnh Cao Bằng chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ và hoàn lưu bão số 3.

Ông Hoàng Xuân Ánh đề nghị các cơ quan quản lý, nhà khoa học nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong khảo sát, dự báo tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, để từ đó đưa ra được các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế rủi ro thiên tai, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững của các địa phương.

Ứng dụng công nghệ trong dự báo thiên tai vùng Trung du và miền núi phía Bắc- Ảnh 2.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cùng các đại biểu cắt băng khai trương không gian trưng bày triển lãm các sản phẩm KHCN và đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ Techfest Cao Bằng - Ảnh: VGP/HG

Theo đại diện Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH&CN), do địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn nên vùng Trung du và miền núi phía Bắc thường hay xảy ra các thiên tai như: Rét đậm, rét hại, sương muối, mưa đá, lốc tố, dông sét, mưa lớn, lũ quét, sạt lở bờ sông, trượt lở đất, cháy rừng, động đất, dịch bệnh... Điển hình như cơn bão Yagi vừa qua đã khiến các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề về người và của.

Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đề xuất các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; xây dựng một số chương trình phát triển KHCN mang tính chất đặc thù cho vùng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thăm dò, quản lý, khai thác tài nguyên thiên…

Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN phát triển các ngành có lợi thế của vùng như: Ngành nông, lâm nghiệp, chế biến, du lịch,.. nghiên cứu giống cây trồng nông, lâm nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các dịch vụ kỹ thuật.

Trong khi đó, các chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết, thời gian qua, Viện đã phối hợp với Viện Địa chất (Viện Hàn lâm KH&CNViệt Nam) triển khai 7 nhiệm vụ nghiên cứu tại khu vực miền núi phía Bắc.

Từ các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đề xuất cần tiếp tục xây dựng các bản đồ phân vùng, bản đồ nguy cơ thiệt hại do lũ quét, lũ bùn đá, trượt lở với tỉ lệ lớn. Chuyển đổi thành các mảnh bản đồ dạng bỏ túi cấp cho các cán bộ thôn bản, xã, huyện. Xây dựng các apps điện thoại để người dân có thể theo dõi được lượng mưa, nguy cơ chi tiết cấp thôn bản.

Về dự báo, cảnh báo, cần cập nhật, điều chỉnh ngưỡng cảnh báo lũ bùn đá, lũ quét, trượt, lở vào các quy định dự báo, cảnh báo thiên tai quốc gia. Từng bước quan trắc, cảnh báo được phạm vi nhỏ cấp thôn bản.

Xây dựng mô hình quản lý tập trung dữ liệu, cơ sở dữ liệu về thiên tai bao gồm lượng mưa, mực nước, công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, dữ liệu các điểm sạt lở, lũ quét, dữ liệu các thông tin hỗ trợ trực tuyến (như danh sách, số điện thoại của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp…) và các thông tin khác.

Xây dựng các kịch bản giả định để lên kế hoạch ứng phó hoặc điều động nguồn lực một cách hiệu quả và hỗ trợ ra quyết định ứng phó. Xác định các khu vực an toàn phục vụ quy hoạch dân cư, cơ sở hạ tầng và tái định cư cho các khu vực có nguy cơ cao; đồng bộ thông tin cảnh báo từ trung ương, địa phương và các bên liên quan giúp nắm bắt tình hình thiên tai trong khu vực một cách hiệu quả và chủ động.

Về giải pháp công trình, có thể nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn các giải pháp công nghệ sử dụng được vật liệu bồi lũ tích từ lũ bùn đá làm vật liệu xây dựng để vừa tận dụng nguồn thanh thải sau lũ, vừa giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm giá thành xây dựng cơ sở hạ tầng miền núi...


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng công nghệ trong dự báo thiên tai vùng Trung du và miền núi phía Bắc