Ông Nguyên có vợ và 2 người con. Ngoài căn bệnh suy thận, chân tay ông Nguyên bị co quắp khiến việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn. Ông thuê trọ, sống tại “xóm chạy thận” để tiện cho việc điều trị, vợ ông hiện đang làm thuê trên phố Lò Đúc (Hà Nội). Bà vất vả làm thuê tích cóp để gửi cho ông thuốc thang, sinh sống.
Bà Lê Thị Ninh cũng đã có một người con trai. Năm 2002, bà Ninh được chẩn đoán mắc căn bệnh quái ác này. Thời điểm đó, kinh tế gia đình không có, thuốc thang không đầy đủ nên đến năm 2006, bệnh tình của bà Ninh trở nặng và phải ở gần bệnh viện để tiện cho việc điều trị. Hàng ngày, để có tiền trang trải, bà Ninh vẫn phải mua nước lọc đóng chai rồi di chuyển vào bên trong viện để bán.
Hai hoàn cảnh khó khăn ấy gặp nhau tại xóm của những người cùng khổ. Do chi phí sinh hoạt điều trị đắt đỏ cộng thêm với việc sức khỏe của những người mắc bệnh suy thận diễn biến thất thường nên ông bà đã quyết định dọn sống chung với nhau trong một gian phòng trọ.
“Như thế sẽ bớt đi được chi phí thuê phòng của mỗi người. Hơn nữa, sức khỏe ông Nguyên không đảm bảo, nếu như sống một mình nhỡ lúc đêm hôm có chuyện gì ai giúp đỡ được.
Trong khi đó, bà Ninh sức khỏe cũng có lúc này lúc kia. Ai khỏe thì giúp đỡ người còn lại. Sức khỏe của người mắc bệnh suy thận như “ngọn đèn trước gió” ấy, chả biết sống chết lúc nào”, kể về hoàn cảnh của hai bệnh nhân sống chung một gian nhà, một người sinh sống tại “xóm chạy thận” chia sẻ.
20 năm sinh sống tại “xóm chạy thận”, có đến quá nửa thời gian ông Nguyên không thể về quê ăn Tết cùng gia đình. May mắn hơn, do thời gian điều trị và quê ở gần nên cứ cách 1 năm bà Ninh lại được về nhà đoàn tụ cùng gia đình đón Tết còn năm sau sẽ phải ở lại đón Tết cùng với ông Nguyên.
Hoàn cảnh khiến bà Ninh và ông Nguyên phải trọ cùng nhau để giúp đỡ nhau những lúc khốn khó. |
Bên trong căn phòng rộng chưa đến 6m2, chị Nguyễn Thị Trang (SN 1991) nằm thu mình trên chiếc phản dựng tạm thành chỗ ngả lưng. Chiếc chăn bông cũ được chị che lại gần hết khuôn mặt. Cứ mỗi đợt rét về, sức khỏe của Trang lại yếu đi thấy rõ. Cô gái quê Nam Định đã sinh sống và chạy thận tại đây hơn 3 năm.
Bố mất sớm, mẹ phải gồng gánh làm đủ thứ nghề để nuôi 2 người em và gửi lên để chị sinh hoạt và chữa bệnh. Bởi bận rộn là thế nên từ rất lâu rồi, chị Trang không có người thân lên thăm. Cơ thể yếu nên vào những ngày như này, phần lớn sinh hoạt chị Trang đều phải nhờ đến sự trợ giúp của những người sinh sống cùng dãy trọ.
Vất vả hơn mọi người khi ngoài việc phải chạy thận đều đặn 1 tuần 3 lần, hàng tháng, chị Trang còn phải vào viện để truyền máu do bản thân cô mắc thêm căn bệnh tan máu tự miễn bẩm sinh. Sinh ra đã mang trong mình căn bệnh quái ác nên từ nhỏ, sức khỏe chị Trang yếu hơn các bạn đồng trang lứa.
Tâm sự, chị Trang bảo, trừ những khi phải vào viện chạy thận thì hầu như chị không ra ngoài xóm trọ suốt 3 năm qua. Đương nhiên, chị không được tận hưởng không khí gia đình đoàn tụ mỗi dịp xuân về, Tết đến.
Tết năm nay, chị Trang cũng không thể về dù rất muốn. “Bọn em mắc bệnh suy thận nên sức khỏe rất yếu mà xe cộ ngày Tết đông đúc, lên đến xe có khi không thể thở nổi mà thuê xe riêng thì kinh tế gia đình em không có. Trong khi đó, về được 1 ngày sau đó lại tất tả chuẩn bị đồ đạc lên Hà Nội để kịp lịch điều trị. Thế nên năm nay em cũng không thể về”, chị Trang tâm sự.
“Mà có khi … chẳng bao giờ em đón giao thừa ở quê cùng gia đình được nữa”, ngập ngừng giây lát, chị Trang xúc động sẻ chia.
“Năm đầu tiên không được đón Tết cùng gia đình, em buồn lắm nhưng năm nữa, rồi năm nữa qua đi, cho đến năm nay thì cảm xúc ấy đã vơi đi nhiều do quanh em vẫn còn những hoàn cảnh giống mình. Năm mới, ở đây bọn em cũng trang hoàng nhà cửa, rồi thì xã hội quan tâm, động viên nên bản thân cũng cảm thấy bớt trống trải đi phần nào”, chị Trang chia sẻ.