Do học sinh hầu hết ở xa nên thầy cô đã vận động phụ huynh cho con em ở lại trường. Điều đó đồng nghĩa các cô cũng phải ở lại để nuôi dạy, quản lý học trò. “Những lúc chăm sóc học sinh, tôi thấy mình giống như được chăm chút cho những đứa con ruột.
Đôi khi tôi chạnh lòng, thương chồng, con thiếu bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ, nhưng biết làm sao khi tôi đã yêu và chọn nghề giáo. Nhớ con, nhớ gia đình, bản thân chỉ biết tranh thủ lúc rảnh rỗi gọi điện về hỏi thăm rồi quay lại lớp học với tất cả tâm huyết, tình yêu thương học trò”, cô Thư trải lòng.
Cũng theo cô Thư, âm nhạc như cầu nối giúp cô thêm gần gũi với học trò. Học sinh dù còn rụt rè, sợ người lạ (kể cả giáo viên), nhưng khi tập và dạy các em hát thì khoảng cách ấy tan biến. Cứ thế, cô và trò gần gũi và yêu thương nhau hơn.
Trong đợt chuyển công tác lên huyện Bắc Trà My lần này còn có các cô giáo mầm non. Cô Đỗ Thị Bích Đào - giáo viên Trường Mẫu giáo Trà Giác (xã Trà Giác) có 16 năm dạy trẻ, trong đó hơn 10 năm “cắm bản”.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, với mong muốn cống hiến thanh xuân nơi miền khó, cô giáo trẻ xung phong dạy tại Trường Mẫu giáo Tuổi thơ thuộc xã Trà Bui, nơi xa nhất của huyện Bắc Trà My.
“Năm 2008, đường đi Trà Bui vô cùng khó khăn. Vào mùa mưa, để vận động học sinh ra lớp, chúng tôi phải lên nương, rẫy mới gặp được gia đình. Nhiều khi, tôi phải đi từ tờ mờ sáng rồi chờ đến tối muộn để gặp và vận động phụ huynh đưa con đến lớp”, cô Đào nhớ lại.
Năm 2018, cô Đào được chuyển về Trường Mẫu giáo Vàng Anh (thị trấn Bắc Trà My). Nhưng đến năm học 2023 - 2024, một lần nữa cô lại viết đơn xin lên xã vùng cao Trà Giác công tác. Cô cho biết, xa nhà, gặp nhiều khó khăn, nhưng một khi đã yêu công việc, con trẻ thì mọi khó khăn sẽ được hóa giải, tan biến.
Cô Nguyễn Thị Trúc viết đơn tình nguyện lên miền núi giảng dạy khi đang mang thai. Ảnh: Hoàng Vinh |
Thầy Phan Duy Biên – Hiệu trưởng PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Ka cho biết, những giáo viên tình nguyện viết đơn xin lên dạy học tại trường miền núi luôn được ban giám hiệu trân quý.
“Với đặc thù trường vùng khó, học sinh dân tộc, điều kiện kinh tế khó khăn, chỉ khi giáo viên trực tiếp đứng lớp mới hình dung và thấu hiểu hết những vất vả, từ đó có sự sẻ chia, giúp đỡ hiệu quả”, thầy Biên bày tỏ. Theo thầy Biên, nếu giáo viên nào nhà xa sẽ được bố trí ở khu nội trú; cùng đó, ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, động viên, đồng hành cùng thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngoài ngày nghỉ cố định cuối tuần, ban giám hiệu sẽ cố gắng sắp xếp có thêm một ngày nghỉ trong tuần (không bố trí tiết dạy) để thầy cô tiện về thăm gia đình, chăm sóc con cái. Dù chỉ là sự quan tâm nhỏ nhưng cũng giúp giáo viên yên tâm công tác..
Còn theo cô Trịnh Thị Liễu – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Giác, trường thuộc vùng khó của huyện, với 208 trẻ và 7 điểm trường (1 điểm chính và 6 điểm lẻ). Trong đó có 2 điểm lẻ không điện, sóng, đường giao thông.
Cô giáo Đỗ Thị Bích Đào trong tiết dạy nhận biết về các bộ phận cây xanh cho trẻ. Ảnh: Hoàng Vinh |
“Đường vào các điểm trường vất vả nhưng với tình yêu thương trẻ vùng cao, nhiều giáo viên vẫn tình nguyện viết đơn lên đây. Tôi thực sự xúc động, khi các cô mang hơi ấm, tình thương, sẻ chia đến những đứa trẻ miền núi. Sự xuất hiện của họ là niềm động viên, khích lệ với đội ngũ giáo viên công tác nơi đây. Tất cả tạo thành động lực để cùng nhau phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, cô Liễu thông tin.
Năm học 2023 - 2024, huyện Bắc Trà My có hơn 11 nghìn học sinh với 39 trường học. “Trước thềm năm học mới, hàng chục giáo viên đã viết đơn tình nguyện lên núi dạy học. Chúng tôi trân trọng sự sẻ chia khó khăn này của thầy, cô đối với ngành Giáo dục ở thời điểm hiện tại.
Điều đó thể hiện tấm lòng, trách nhiệm của thầy cô với ngành và đặc biệt là học trò vùng khó. Mỗi thầy cô đã góp phần lan tỏa thông điệp tốt đẹp của ngành Giáo dục Quảng Nam, đó là luôn sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi; không nề hà gian khó, quyết tâm bám trường, lớp để truyền dạy kiến thức, kỹ năng, chăm sóc, dạy dỗ học sinh”, ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) nói.
“Gắn bó với miền núi quen rồi, năm học này, tôi tiếp tục xin chuyển lên Trà Giác. Để ươm mầm xanh nơi vùng cao, giờ đây giáo viên không chỉ dừng lại ở “ba cùng” mà còn phải “bốn cùng”, đó là: Cùng ăn, ở, làm và sử dụng tiếng bản địa với trẻ. Hằng ngày, từ việc đón trẻ, vệ sinh cá nhân, lo bữa ăn, giấc ngủ đến dạy nói, múa hát, chữ cho trẻ, đều được các cô chăm lo tận tình, trách nhiệm như chính con mình”. - Cô Đỗ Thị Bích Đào - giáo viên Trường Mẫu giáo Trà Giác (xã Trà Giác, Bắc Trà My, Quảng Nam)