Nhiều người vẫn thường có thói quen hãm nước hoa hoè uống hàng ngày, vậy uống nước hoa hoè hàng ngày có tốt cho sức khoẻ?
Tác dụng của hoa hoè
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ cho biết, theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, hoa hòe là hoa của cây hòe, còn được gọi là hòe mễ, hòe hoa mễ, hòe hoa. Tên khoa học của chúng là Sophora japonica L., thuộc họ cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).
Nhiều người thường dùng hoa hòe hay hòe hoa (Flos Sophorae japonicae) là hoa sấy khô của cây hòe, đôi khi dùng quả hòe là gọi là hòe giác (Fructus Sophorae japonicae).
Dưới đây là những tác dụng của hoa hoè:
Tác dụng dược lý
Rutin là loại vitamin P tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mao mạch. Thiếu chất vitamin này tính chất chịu đựng của thành mao mạch có thể bị giảm, mao mạch dễ bị đứt, vỡ. Hhiện tượng này trước đây người ta chỉ cho rằng do thiếu vitamin C mà có, gần đây phát hiện sự liên quan đối với vitamin P.
Tác dụng cầm máu
Hoa hòe tác dụng rút ngắn thời gian chảy máu, sao thành than tác dụng càng tăng.
Tác dụng với mao mạch
Hoa hòe tác dụng giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng độ bền của thành mao mạch.
Tác dụng hạ mỡ trong máu
Hòe bì tác dụng làm giảm cholesterol trong máu của gan và ở cửa động mạch, giúp phòng ngừa xơ mỡ động mạch.
Uống nước hoa hoè hàng ngày có tốt?
Báo Vietnamnet dẫn lời bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng tư vấn, Đông y quan niệm hoa hòe tính mát dùng cầm máu (chảy máu cam, tiểu tiện, đại tiện ra máu), thanh nhiệt, an thần, dự phòng và điều trị sau tai biến, kiểm soát huyết áp, giảm tính thẩm thấu thành mao mạch và giúp ổn định cholesterol trong cơ thể. Tại Trung Quốc, hoa hòe còn được sử dụng như một bài thuốc quý trong điều trị viêm ruột hạ huyết, lỵ, xuất huyết tử cung.
Vì vậy, hàng ngày, bạn có thể thưởng thức ly nước hoa hòe để tăng cường sức khỏe, bảo vệ mạch máu. Bạn đun nước sôi và cho 20g hoa hòe vào. Khi hoa chìm xuống nước là dùng được.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng hoa hoè
Tuy tốt cho sức khoẻ nhưng bác sĩ Hoàng cũng khuyến cáo khi dùng hoa hoè bạn cần lưu ý những điều dưới đây:
Hoa hòe tính mát nên người hàn lạnh không nên dùng. Các chuyên gia Đông y cũng khuyến cáo không dùng hoa hòe cho phụ nữ có thai.
Đây là vị thuốc trị tăng huyết áp nên những người huyết áp thấp không uống. Nếu bạn uống nước hoa hòe xong người khó chịu, không hợp nên dừng lại. Dùng nhiều loại dược liệu này có thể dẫn đến tiêu chảy.
Người có bệnh lý khác cần tham khảo với bác sĩ trước khi dùng hoa hòe tránh biến chứng.
Cách pha trà hoa hòe
Dùng khoảng 20 - 30g hoa hòe khô, cho vào ấm, sau đó rót nước vừa đun sôi vào, với lượng nước khoảng 300ml tức là10g hoa hòe tương đương 100ml nước. Sau đó bạn đợi khoảng 3 - 5 phút sau khi hoa hòe ngấm nước chìm xuống là có thể dùng được. Hoa hòe chưa chìm xuống là do bạn dùng nước chưa thật sôi.
Ngoài ra, bạn có thể cho hoa hòe vào ấm sau đó đổ nước và đun sôi trong vòng 1 - 2 phút.
Trên đây là những tác dụng của hoa hoè cũng như cách sử dụng hoa hoè uống hàng ngày. Hoa hoè tuy tốt cho sức khoẻ nhưng bạn cũng cần phải sử dụng đúng cách và vừa đủ. Nếu có bệnh lý mà muốn sử dụng nước hoa hoè thì cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trước khi dùng.