Ngải cứu là cây thuốc dân gian quen thuộc với người Việt, thường dùng trong món ăn, bài thuốc để bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ chữa các bệnh thông thường.
Trong thời gian gần đây, trào lưu uống nước lá ngải cứu để cải thiện thể trạng được nhiều người áp dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng loại cây này như thế nào để đạt hiệu quả mà không gây phản tác dụng thì không phải ai cũng hiểu rõ.
Theo Lương y Nguyễn Trung Hái, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung ương Hội Đông y Việt Nam, ngải cứu là thảo dược quý, nhưng cần được sử dụng đúng cách và đúng đối tượng.
Tác dụng của nước lá ngải cứu
Lương y Nguyễn Trung Hái cho biết, trong Đông y, ngải cứu (tên dược liệu là “ngải diệp”) vị đắng, cay, tính ấm, quy vào các kinh Can, Tỳ và Thận. Cây có công năng ôn kinh chỉ huyết, trừ hàn thấp, an thai và điều hòa khí huyết.
Khi nấu lên thành nước để uống, ngải cứu phát huy tác dụng rõ rệt trong việc hỗ trợ điều trị một số chứng như rối loạn kinh nguyệt, đau bụng do lạnh, suy nhược cơ thể, mất ngủ và rối loạn tiêu hóa.
Đặc biệt, với những người có thể trạng hàn, hay bị lạnh tay chân, bụng lạnh, uống nước ngải cứu ấm mỗi tuần từ 2–3 lần sẽ giúp điều chỉnh âm dương trong cơ thể, tăng cường lưu thông khí huyết.
Nước lá ngải cứu còn hỗ trợ tiêu hóa rất tốt. Những người hay bị đầy bụng, khó tiêu, ăn uống kém hoặc tiêu chảy do lạnh bụng có thể sử dụng nước ngải cứu để cải thiện tình trạng.
Trong ngải cứu chứa các chất như flavonoid, tinh dầu và chất chống oxy hóa, giúp kháng khuẩn, chống viêm, thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch. Nhờ đó, cơ thể có thể chống chọi tốt hơn với các tác nhân gây bệnh từ môi trường.
Ngoài ra, nước ngải cứu còn giúp ổn định huyết áp, đặc biệt có lợi cho người cao tuổi hoặc người làm việc trí óc cường độ cao cần giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
Lưu ý khi sử dụng nước lá ngải cứu
Việc uống nước lá ngải cứu cần được thực hiện cẩn trọng. Ngải cứu có tính ấm, dùng nhiều có thể gây nóng trong, khô miệng, nổi mụn, táo bón.
Đặc biệt, phụ nữ có thai chỉ nên dùng theo chỉ định của thầy thuốc. “Dù là vị thuốc lành tính, nhưng nếu dùng quá mức thì thuốc bổ cũng có thể trở thành thuốc độc”, ông Hái nói. Với người bình thường, nên uống nước ngải cứu 2–3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 150–200ml là vừa đủ.
Người dân cũng nên chú ý đến cách sơ chế và lựa chọn lá ngải cứu. Nên chọn loại ngải cứu truyền thống, lá có màu xanh sẫm ở mặt trên, có lông trắng ở mặt dưới, không sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt.
Khi nấu nước, nên rửa thật sạch, ngâm với nước muối loãng 10-15 phút rồi mới đun sôi cùng nước, có thể kết hợp với vài lát gừng để tăng tác dụng ấm bụng, giải cảm.
Ngoài công dụng làm nước uống, ngải cứu còn có thể dùng ngoài da để trị các chứng đau khớp, bong gân, mỏi cổ vai gáy bằng cách giã nhỏ, sao nóng và đắp lên vị trí đau.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ngải cứu trong món ăn như trứng ngải cứu, canh ngải cứu cũng mang lại hiệu quả rất tốt. Cách dùng nào cũng cần đúng liều, đúng thể trạng, tránh việc nghe theo truyền miệng mà dùng bừa bãi.
Điều quan trọng nhất khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào, phải hiểu rõ cơ địa, thể trạng của bản thân, kết hợp với lối sống khoa học. “Dược liệu chỉ phát huy công dụng tối ưu khi người dùng hiểu rõ mình đang cần gì và phải dùng như thế nào”, ông Hái kết luận.