Nhiều người truyền tai nhau việc sử dụng nước sắc từ lá và hoa đu đủ có thể chữa ung thư, điều này có đúng?
PGS.TS.BS Đoàn Hữu Nghị, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, đu đủ là loại cây rất dễ trồng, phù hợp với các điều kiện khí hậu khác nhau. Quả đu đủ là trái cây phổ biến, nhiều giá trị dinh dưỡng với vitamin cần thiết cho cơ thể. Trong dân gian nhiều bộ phận khác nhau của cây đu đủ đều được sử dụng làm thuốc như lá, hoa, hạt, rễ, đặc biệt là lá.
Lá cây đu đủ được sử dụng để sát khuẩn, kháng nấm, kháng viêm, chữa sốt rét, trừ giun sán. Chất carpain từ lá đu đủ còn tác dụng làm chậm nhịp tim, có trường hợp sử dụng để thay thế digitalis làm thuốc trợ tim. Chất mủ trắng của đu đủ chứa một loại enzyme gọi là "papain" với khả năng thủy giải protein - sử dụng để làm mềm thịt, chất khử trùng băng vết thương. Nó còn sử dụng ở tình huống khó tiêu, nấm ngoài da, bệnh vẩy nến và ung thư. Papain còn giúp trung hòa một số độc tố và toxalbumin.
Nước hãm từ rễ đu đủ được sử dụng theo truyền thống trong điều trị các bệnh hoa liễu, bệnh trĩ và bệnh mụn cóc.
Dù bộ phận của cây đu đủ được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian, nhưng theo PGS.TS.BS Đoàn Hữu Nghị, hiện chưa có chứng minh khoa học nào cho thấy lá, hoa đu đủ đực chữa khỏi ung thư. Ông lo ngại khi nhiều gia đình nói "chữa khỏi" ung thư bằng cách uống hoa, lá đu đủ đực.
“Nhiều người điều trị Tây y một thời gian, sau đó về nghe thầy lang uống lá, hoa đu đủ đực và khi họ sống được thêm 4 - 5 năm thì bắt đầu tuyên truyền là nhờ đu đủ đực nên khỏi bệnh”, bác sĩ Đoàn Hữu Nghị cho biết đó là sự nhầm tưởng tai hại.
Bản chất của ung thư là bệnh mạn tính (kéo dài), không gây tử vong ngay mà thường diễn biến từ từ và ngày một nặng lên. Mỗi loại bệnh ung thư lại có thời gian phát triển bệnh khác nhau, bệnh nhanh, nhưng cũng có bệnh ung thư diễn biến chậm. Dù không điều trị bệnh nhân vẫn có thể sống thêm 3-5 năm hoặc lâu hơn.
"Ví dụ như ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, ung thư tiền liệt tuyến độ ác tính thấp, ung thư da biểu mô tế bào đáy... tiến triển chậm, làm người bệnh nhầm tưởng uống lá có tác dụng", bác sĩ Nghị nói và cho biết chính suy nghĩ lá có chữa ung thư đã hậu quả lớn cho bệnh nhân, khiến họ mất đi cơ hội điều trị khỏi bệnh ở giai đoạn sớm.
Thông tin từ Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K cho thấy, tác dụng chống ung thư của dịch chiết lá đu đủ mới được ghi nhận trong ống nghiệm và trên chuột. Một số loại tế bào ung thư nhạy cảm với dịch chiết lá đu đủ trong ống nghiệm là tế bào ung thư tiền liệt tuyến, gan, cổ tử cung, phổi, tụy, vú.
Dịch chiết lá đu đủ được chứng minh là làm giảm tính di căn của ung thư như giảm sự kết dính, di chuyển và xâm lấn bằng cách giảm chất nền ngoại bào - chất hoạt động như chất hấp dẫn hóa trị để kết dính và di chuyển tế bào. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn hạn chế và tác dụng mới được ghi nhận trên số ít tế bào ung thư và cần nghiên cứu thêm để khẳng định tác dụng của lá đu đủ.
Hiện chưa đủ bằng chứng khoa học để khẳng định tác dụng chống ung thư của lá đu đủ trên cơ thể người cũng như liều lượng, độc tính trên người. Dịch chiết lá đu đủ có thể hiệu quả trên nhóm bệnh nhân bị giảm tiểu cầu do điều trị hóa chất. Trước khi sử dụng lá đu đủ, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
Hiện tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam vẫn cao, nhưng bằng những tiến bộ vượt bậc của khoa học trong y học, cũng như trình độ chuyên môn cao nên tỷ lệ chữa khỏi ung thư lên tới 50% nếu phát hiện bệnh sớm. Những căn bệnh ung thư ác tính như ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến giáp… được phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi lên tới trên 90%.
Các chuyên gia ung bướu khuyến cáo, ung thư biết sớm khả năng trị khỏi cao, không nên nghe theo các phương pháp dân gian trị bệnh từ lá để đánh mất thời điểm vàng điều trị bệnh.