Ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn: 'Cú hích' đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Việt Hà (TTXVN) 20/12/2024 11:50

Theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", dự kiến có 18 cơ sở giáo dục đại học công lập trong danh sách được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Việc đầu tư này là một trong các giải pháp để Việt Nam hướng đến mục tiêu đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Chú thích ảnh
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh tư liệu: Ngọc Hà/TTXVN

Tránh đầu tư chồng chéo, kém hiệu quả

Dự kiến danh sách các cơ sở đào tạo được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn gồm: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Đại học Công nghệ Thông tin); Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên); Đại học Đà Nẵng; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Thái Nguyên; Đại học Huế; Học viện Kỹ thuật Quân sự; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Trường Đại học Giao thông Vận tải; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Điện lực; Học viện Kỹ thuật Mật mã và Trường Đại học Việt Đức.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Trần Minh Khang cho biết: Việc nhà trường được Chính phủ xem xét ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn sẽ tạo điều kiện cho trường trang bị được các phần mềm chuyên nghiệp, thiết bị thực hành, thiết bị đo lường phục vụ cho hoạt động đào tạo đại học, sau đại học tiếp cận được yêu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa sẽ giúp nhà trường thu hút sinh viên giỏi, học viên cao học giỏi đến học tập; thu hút giảng viên và nhà khoa học có chuyên môn sâu về thiết kế vi mạch tham gia giảng dạy và nghiên cứu lâu dài.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: Việc Đại học Thái Nguyên dự kiến được đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn là sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm của Nhà nước cho công tác đào tạo bán dẫn của quốc gia nói chung và là nguồn động lực quan trọng đối với Đại học Thái Nguyên cùng các trường thành viên nói riêng. Khi được đầu tư, nhà trường sẽ được tăng cường trang thiết bị thực hành, thực tập và nghiên cứu phục vụ cho các chương trình đào tạo liên quan đến công nghệ điện tử, bán dẫn. Ngoài việc được ưu tiên xem xét xây dựng phòng thí nghiệm, nhà trường cũng đang lên kế hoạch đầu tư thêm nhiều hạng mục quan trọng nhằm đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa cũng đề cập đến chính sách miễn, giảm học phí cho sinh viên theo học ngành bán dẫn. Chính sách hỗ trợ học phí này sẽ đặc biệt có ý nghĩa đối với người học đến từ các vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi như các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc.

Là một trong các trường được xem xét ưu tiên xây dựng phòng thí nghiệm, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đang chủ động triển khai kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo theo sự gia tăng quy mô tuyển sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh, Trưởng khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết: Để tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và hỗ trợ tốt nhất cho việc triển khai chương trình đào tạo cũng như nghiên cứu ngành bán dẫn, lãnh đạo nhà trường chủ trương không thực hiện đầu tư ồ ạt. Thay vào đó, việc đầu tư sẽ được tiến hành dựa trên các nghiên cứu kỹ càng nhằm đưa ra những giải pháp cơ sở vật chất phù hợp và hiệu quả.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Quỳnh, để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, cần có sự hợp tác đồng thuận từ cả ba bên: Chính phủ, nhà trường và doanh nghiệp. Chính phủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhờ đó, mỗi cơ sở giáo dục sẽ có thể xây dựng các phương án đầu tư trang thiết bị một cách hợp lý và điều chỉnh chương trình đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể để 18 cơ sở giáo dục được xem xét ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn triển khai đầu tư hiệu quả. Đồng thời, cần thiết lập các chính sách và cơ chế sử dụng "phòng thí nghiệm dùng chung" cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu để chia sẻ thông tin về trang thiết bị đầu tư, tránh tình trạng đầu tư chồng chéo và kém hiệu quả.

Thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đại diện các cơ sở đào tạo cho rằng, nguồn lực về chuyên gia, giảng viên cũng là điều kiện quan trọng để phát triển nhân lực ngành công nghệ cao như bán dẫn.

Phó Giáo sư,Tiến sĩ Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, Phó tổ trưởng thường trực Tổ công tác về triển khai nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia đào tạo các khâu liên quan trong chuỗi giá trị bán dẫn của nhà trường lên tới gần 300 người là giảng viên từ các trường Điện - Điện tử, Vật liệu, Cơ khí, Hóa và Khoa học sự sống, Công nghệ thông tin - truyền thông, Khoa Vật lý kỹ thuật thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội, chưa kể các cộng tác từ đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh các trường thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, 6 Viện nghiên cứu trực thuộc nhà trường đều có định hướng về phát triển nghiên cứu ứng dụng như: công nghiệp và thiết bị phụ trợ, phát triển mạch điều khiển thông minh, AIoT và AI ứng dụng, xử lý dữ liệu lớn, AI Robots và thiết bị không người lái để làm cơ sở phát triển và ứng dụng chip cảm biến, chip điều khiển.

Trước mắt, nhà trường đảm bảo đủ đội ngũ để đào tạo toàn diện chuỗi công nghệ phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn với 3.000-5.000 kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp hàng năm. Ngoài ra, trong lộ trình 5-10 năm tới, thông qua mạng lưới hợp tác quốc tế và cựu sinh viên đang nghiên cứu thành công ở nước ngoài, nhà trường đã và đang tiếp tục thu hút nhân lực để bổ sung và phát triển đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực bán dẫn.

Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, để đào tạo nhân lực bán dẫn không chỉ cần máy móc, thiết bị hiện đại mà rất cần đội ngũ nhân lực am hiểu chuyên môn để vận hành phòng thí nghiệm hiệu quả.

Trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhiều giảng viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã được gửi đi đào tạo tiến sĩ và thực tập sau đại học ở các viện nghiên cứu và trường đại học lớn tại Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, một số nước châu Âu để tiếp cận các công nghệ hiện đại. Các giảng viên khi quay về công tác tại nhà trường đã phát huy tốt năng lực chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu.

Trong văn bản mới đây gửi các cơ sở đào tạo về việc triển khai Quyết định số 1017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các cơ sở giáo dục đại học tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Cụ thể, các cơ sở đào tạo chủ động rà soát, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo hướng hội nhập, đạt chuẩn quốc tế. Trong đó, nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo có chuyên ngành hoặc định hướng đào tạo kỹ sư chuyên sâu về bán dẫn; tập trung nguồn lực xây dựng kế hoạch mở mới các ngành đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam ở 3 công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn (thiết kế, sản xuất và kiểm thử, đóng gói), phù hợp với thế mạnh, năng lực thực tế, mục tiêu, chiến lược phát triển của cơ sở đào tạo.

Về phát triển đội ngũ giảng viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh việc ưu tiên xét tuyển cử giảng viên đi học tiến sĩ, sau tiến sĩ các ngành chuyên sâu về bán dẫn tại các cơ sở đào tạo có uy tín trên thế giới. Bên cạnh đó, có chính sách thu hút giảng viên, chuyên gia là người nước ngoài, Việt kiều đang làm việc ở các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ngoài về làm việc.

Đối với các giải pháp hỗ trợ người học, các cơ sở đào tạo cần có chính sách ưu tiên gồm học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học chương trình đào tạo về bán dẫn. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để tìm kiếm hỗ trợ kinh phí hoặc cấp học bổng từ phía doanh nghiệp, tạo điều kiện thực hành, thực tập cho sinh viên và tuyển dụng, sử dụng những người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về bán dẫn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các trường đẩy mạnh hợp tác trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu để hình thành mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, ưu tiên các giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện nghiên cứu khoa học đối với các đề tài trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Những bước đi của các cơ sở đào tạo đang hướng đến đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn để Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển và hội nhập quốc tế đối với sự dịch chuyển nghề nghiệp này.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/uu-tien-dau-tu-phong-thi-nghiem-ban-dan-cu-hichdao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-20241220113039002.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/uu-tien-dau-tu-phong-thi-nghiem-ban-dan-cu-hichdao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-20241220113039002.htm
Bài liên quan
Ngành Giáo dục khẩn trương phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản đề nghị các đại học, học viện khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn: 'Cú hích' đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao