Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc
Lính trẻ, lính già đều trọc tếu như nhau
Những lúc vui cứ gọi đùa sư cụ
Là bà con xa với bụt ốc đây mà
Thôi lặng yên nghe. Có gì đang sóng sánh
Hóa ra là sư cụ hát tình ca
(Lính đảo hát tình ca trên đảo)
Có thể nói bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo mang đậm chất lính, nó gợi ra cả sự “ngang tàng”, gợi cả sự lãng mạn, trẻ trung của người lính khi coi thường mọi khó khăn, thiếu thốn. Cuộc sống người lính vẫn lạc quan và đầy ắp tiếng cười, bài thơ tiếp nối những bài thơ về người lính trước đó như Nhớ của Hồng Nguyên, Đồng chí của Chính Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng…
Ba bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo, Đi trong hương tràm, Mùa hoa mận đều đem đến cho người đọc những cảm nhận mới mẻ về đất nước. Từ đó giúp học sinh nhận ra đất nước thiêng liêng nhưng cũng vô cùng gần gũi, bình dị.
Ở mảng đề tài Thiên nhiên cũng có nhiều tác phẩm mới được đưa vào chương trình với những cách cảm nhận gần gũi, thân thuộc, mỗi nhà thơ bằng những khám phá riêng của mình đã đem lại cho người đọc những cảm xúc riêng trong hành trình khám phá thiên nhiên kỳ thú. Đó là nắng mới lên xua tan đông giá, là đám mây trắng bồng bềnh, là tiếng sếu vọng về, là cánh đồng trải dài những mùa hoa, là tiếng chào mào quen thuộc mỗi sớm mai… từ đó nhằm hướng các em tình yêu thiên nhiên cũng như trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, cùng chung tay xây dựng Trái đất xanh. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã đem đến cho người đọc một bức tranh thiên nhiên trong trẻo, tươi sáng với những hình ảnh thơ đầy sức gợi trong bài thơ Nắng đã hanh rồi:
Nắng đã vàng hanh như phấn bay
Đã nghe tiếng sếu vọng sông gày
Trước sân mây trắng về đông lắm
Em ở xa nhà em có hay
…
Xuân sắp sang rồi xuân sắp qua
Một năm năm mới lại năm qua
Mà sao nắng cứ như tơ ấy
Rung tự trời cao xuống ngõ xa.
(Nắng đã hanh rồi)
Bài thơ Cánh đồng của Ngân Hoa được sáng tác 1995, đoạt giải B thi thơ báo Văn nghệ cũng đem đến cho bạn đọc những cách cảm nhận mới về cánh đồng thông qua nhân vật trữ tình “em” cùng sự chuyển hóa của ba yếu tố trữ tình cấu thành bài thơ: Em - bình gốm - bông hoa mà từ đó mỗi người đi đến cảm nhận về tổng thể cánh đồng. Có thể nói, đây là bài thơ hiện đại với những cách cảm, cách nghĩ mới mẻ cùng những câu thơ tự do, sự phân dòng, khổ không đồng đều để phù hợp với mạch cảm xúc hoàn toàn tự do:
Những đóa cúc vừa hái về từ cánh đồng mùa Xuân rộng lớn.
Tỏa sáng trên chiếc bình gốm màu sẫm
Chạm vào em một chiếc lá già nua, một nụ hoa bé bỏng, một hơi thở run run, một làn sương ẩm ướt.
Chạm vào em một lảnh lót trong veo, một vang rền trầm đục, một nức nở âm u, một lặng câm rực rỡ.
(Cánh đồng)
Nhân vật trữ tình trong bài thơ là một cô gái giàu cảm xúc, giàu liên tưởng trong cảm nhận cánh đồng, mùa xuân từ những bông hoa cúc cắm trong bình gốm. Sự liên tưởng từ đó mở ra bát ngát cánh đồng, đến những chiếc bình gốm chưa hình thành còn đang nằm dưới đất sâu. Mạch cảm xúc phóng túng, tự do nên những câu thơ và khổ thơ đều có xu hướng trải dài ra gần những câu văn xuôi nhưng vẫn đầy ắp chất thơ. Đọc bài thơ Cánh đồng, học sinh sẽ dần dần tiếp cận được xu hướng thơ hiện đại thế giới.
Bài thơ Con chào mào của Mai Văn Phấn được giảng dạy trong SGK Ngữ văn 6 nhằm giúp các em tiếp cận với các hình thức thơ hiện đại, hậu hiện đại. Bài thơ Con chào mào dưới góc độ phê bình sinh thái lại cần được quan tâm hơn nữa bởi bài thơ được gợi cảm hứng từ hình ảnh con chim chào mào vốn khá quen thuộc với trẻ em nông thôn xưa. Thế kỷ XXI con người đối diện với nhiều nguy cơ như sự biến đổi của khí hậu, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên khoáng sản, dịch bệnh và đói nghèo…
Trong điều kiện đó phê bình sinh thái ra đời nhằm khắc phục những lý thuyết đã sơ cứng và không còn phù hợp. Phê bình sinh thái là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên với phương pháp tiếp cận Trái đất là trung tâm. Bài thơ mở đầu bằng việc giới thiệu hình dáng chào mào với đốm trắng, mũ đỏ, hót trên cành cây chót vót cùng việc mô phỏng âm thanh triu… uýt... huýt… tu hìu. Tiếng chào mào lảnh lót giữa không gian khoáng đạt mang đến cảm giác thật yên bình:
Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót triu… uýt… huýt… tu hìu…
Bài thơ có hai hình ảnh: Con chào mào và nhân vật Tôi. Nhân vật Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ sợ chim bay đi, con người với quan niệm là vật linh trưởng có thể sở hữu mọi thứ, chiếc lồng và ý nghĩ cũng là một biểu hiện sự chiếm đoạt tự nhiên. Tuy nhiên, ý nghĩ chiếm đoạt, sở hữu của con người hoàn toàn đối lập với bản năng tự do của loài chào mào. Nhân vật Tôi ngay lập tức vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ nhưng thật trớ trêu Vừa vẽ xong nó cất cánh, đó là sự cảnh báo con người trước những suy nghĩ nông cạn, thiển cận, cần phải tôn trọng tự nhiên. Mặc dù hối hả mang theo bao thứ: Khung nắng, khung gió, nhành cây nhưng không thể đuổi theo được chào mào, bởi chào mào xuất hiện như một lẽ tự nhiên, con người không thể dùng lí trí để nhốt chào mào:
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo.
Sau khi bình tĩnh suy nghĩ lại nhân vật Tôi nhận ra chào mào chỉ có thể hạnh phúc khi nó được tự do trong thiên nhiên, được sống với cuộc sống nguyên sơ của mình, được mổ những con sâu, mổ những trái cây chín đỏ, giọt nước thanh sạch.
Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi.
(Con chào mào)
Mặc dù, chào mào bay đi nhưng tiếng hót của nó vẫn còn vọng lại như một điệp khúc, một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh với con người trong ứng xử với tự nhiên. Kết thúc bài thơ nhân vật Tôi ngộ ra chân lý: Chẳng cần... Tiếng chim ấy đang làm đẹp cho đời, cho cuộc sống chúng ta hãy nâng niu trân trọng tự nhiên, thông điệp bài thơ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.