Mỗi nhà trường sẽ có những cách thức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cũng như các tệ nạn xã hội khác cho học sinh tùy vào thực tế của đơn vị. |
Không chỉ vậy, Trường THPT Phúc Lợi cũng quán triệt tới các giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền về tác hại thuốc lá tới cả các bậc phụ huynh học sinh. Mỗi bậc cha mẹ cần làm gương cho chính con em mình và không sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá, nhất là trước mặt con trẻ để các em học tập.
Theo lãnh đạo nhà trường, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy cô - phụ huynh - Đoàn thanh niên và các lực lượng khác nên tình trạng học sinh hút thuốc lá trong trường học đã không còn. Đầu năm học, thầy cô chủ nhiệm đã họp thống nhất với phụ huynh và cho học sinh kí cam kết không sử dụng thuốc lá/thuốc lá điện tử.
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục, nơi làm việc bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ngành Giáo dục Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị, trường học triển khai bộ tài liệu hướng dẫn truyền thông của Bộ GD&ĐT về phòng ngừa thuốc lá mới cho học sinh phổ thông, bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cho phù hợp.
Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT), mỗi nhà trường cần phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý học đường trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh.
Mỗi trường cần phối hợp giáo dục, định hướng nhận thức để các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp. Các trường học cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức như “nội khóa” và “ngoại khóa”, nâng cao nhận thức về Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.