Vấn đề sách giáo khoa ‘nóng’ nghị trường

Nguỵệt Anh | 02/11/2023, 16:17
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở vật chất, chuyên môn cho những đổi mới trong ngành giáo dục

Đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ đồng tình với việc ban hành một bộ sách giáo khoa như đề xuất của Đoàn giám sát. Bởi, Nhà nước chịu trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa, Nghị quyết 88 cho phép xã hội hoá các tổ chức được tham gia biên soạn. Trước nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT không nên biên soạn, không được làm, đại biểu đặt vấn đề như vậy có đúng quan điểm Nhà nước chăm lo cho lĩnh vực giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu không? Có đúng nguyên tắc nhà nước giữa vai trò chủ đạo trong xã hội hoá giáo dục không?

Đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, nên giáo dục phải được thống nhất ở các bậc học. Do đó, đại biểu đề nghị cần ban hành một bộ sách giáo khoa chung.

Tranh luận về các ý kiến liên quan đến biên soạn sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Công Long cho biết, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định rõ việc biên soạn một bộ sách giáo khoa là trách nhiệm của Nhà nước. Nếu ngay từ đầu thực hiện đầy đủ, đúng quy định của Nghị quyết 88 thì có lẽ tình hình đã khác bởi các quy định của Nghị quyết 88 bảo đảm cho việc ban hành, in ấn, phát hành và đảm bảo rẻ nhất đến tay học sinh.

Đại biểu Nguyễn Công Long nêu rõ, các ý kiến tranh luận đề cập đến con số chi phí phải bỏ ra nhưng lại quên đi chi phí lớn mà người dân phải chi trả cho sách giáo khoa. Đại biểu nêu rõ, trong các báo cáo sử dụng cụm từ "sức chống chịu của nền kinh tế", mà chính là dựa vào sức dân. Nếu không có những chính sách trong những vấn đề cụ thể như vấn đề này thì sức chống chịu của người dân được đến bao giờ, đại biểu Nguyễn Công Long đặt vấn đề. Do đó, đề nghị cần cần kế hoạch thực hiện nghiêm Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Tranh luận về ý kiến liên quan đến việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa, đại biểu Thái Văn Thành (Đoàn Nghệ An) cho biết, Nghị quyết 88 Quốc hội giao Bộ GD&ĐT biên soạn một sách giáo khoa mới và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đại biểu, chúng ta thực hiện lộ trình giáo dục trong 2018 đến năm sau 2024-2025 sẽ kết thúc, vì vậy mong muốn Bộ nghiêm túc đánh giá, xây dựng, rà soát lại các bộ sách giáo khoa.

Cũng theo đại biểu Thành, về việc Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa, đối với các môn khoa học tự nhiên không cần thiết biên soạn một bộ sách của Bộ, vì đây là tri thức chân lý của nhân loại. Riêng với các bộ môn khoa học xã hội hay sách tiếng dân tộc cần biên soạn, định hướng tư tưởng giá trị đạo đức cách mạng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của dân tộc.

Cũng về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM) phát biểu tranh luận nêu rõ chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa là nhằm tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo các sách giáo khoa phục vụ cho cải cách giáo dục. Đồng thời huy động tiềm lực kinh tế của xã hội.

Theo đại biểu, xã hội hóa đang được tiến hành tốt như vậy thì ban đầu bao giờ cũng có những trục trặc nhất định. Đại biểu cũng đặt vấn đề nếu nay lại đề xuất Bộ GD&ĐT biên soạn bộ sách giáo khoa nữa thì liệu có giải quyết được những vấn đề mà hiện nay là đang đặt ra hay không?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, có những vấn đề về giá thì có thể tìm ra giải pháp để khắc phục như trợ cấp hay huy động để cho mượn sách giáo khoa, ủng hộ các đối tượng chính sách vùng sâu, vùng xa, mà không phải thay thế bằng cách có thêm một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đại học

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho biết, dù năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tình hình kinh tế-xã hội có những thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận. Về giáo dục đại học, đại biểu phản ánh, nhiều cử tri là giảng viên, giáo viên đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một cách thích đáng, hiệu quả hơn cho giáo dục đại học.

Đại biểu cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta rất thấp. Kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên ở các trường đại học còn quá ít, trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chính là sức sống của trường đại học.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá lại, hoàn thiện thêm khung khổ pháp lý, các quy định, các văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, giúp các trường đại học phát triển, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ quốc kế, dân sinh.

Bài liên quan
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị về việc thống nhất một bộ sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến việc sách giáo khoa thường xuyên thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vấn đề sách giáo khoa ‘nóng’ nghị trường