Riêng Trường THPT Đại Cường có 2 tổ hợp tự nhiên và 2 tổ hợp xã hội. Sau khi trúng tuyển, nhập học, học sinh sẽ được tư vấn để lựa chọn các lớp học phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp trong tương lai. “Với môn Âm nhạc, Mỹ thuật hiện nay trường thiếu giáo viên, chưa có biên chế nên sẽ không đưa môn này vào các tổ hợp”, ông Quyền nói.
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT Hà Nội trong năm đầu triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, môn Vật lý có nhiều học sinh chọn nhất với tỷ lệ 68,2%; tiếp đến là môn Tin học với 62,8%; môn Địa lý là 56,3%; môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật là 55,4%… Hai môn Mỹ thuật và Âm nhạc có ít học sinh chọn nhất, với tỷ lệ lần lượt là với 1,8% và 4,3%. Chỉ có 14 trường triển khai dạy các môn học này.
Ông Lê Hồng Vũ – Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) - cho biết, việc ít học sinh lựa chọn các môn nghệ thuật không hẳn là do học sinh không thích, mà vì các trường chưa có giáo viên. Đây là hai môn học mới trong chương trình, nhưng chưa được tuyển dụng giáo viên, trong khi đó cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hai môn này có đặc thù, vì vậy, chưa phải trường nào cũng có thể đáp ứng.
Năm học 2023 - 2024, cùng với lớp 10, Chương trình GDPT 2018 sẽ được áp dụng ở lớp 11. Lường trước những khó khăn sẽ tăng lên khi chương trình mới được mở rộng, các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho rằng, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền tới học sinh và phụ huynh học sinh về yêu cầu của chương trình mới để hạn chế tối đa việc chọn nhầm môn học. Cùng với đó, nhiều trường đã nỗ lực thêm các môn nghệ thuật cho học sinh lựa chọn.