Quyết không từ bỏ
Anh Nguyễn Ngọc Thưởng (thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) không được may mắn như nhiều người. Sinh năm 1994, năm lên 6 tuổi, Thưởng đã trải qua cơn sốt kéo dài không may để lại biến chứng khiến chân trái bị bại liệt, chỉ có thể di chuyển nhờ vào đôi nạng. Gia đình lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn, cha thì làm nông, mẹ phải làm lao công ở bệnh viện để trang trải kinh tế gia đình và lo cho em. Học hết lớp 12, anh mưu sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Sau 4 năm, anh lại muốn trở về quê hương tự lập, xây dựng mô hình phát triển kinh tế từ việc chăn nuôi, trồng trọt và kề cận bên cha mẹ già.
Lập nghiệp với số vốn ít ỏi, anh bắt đầu từ mô hình chăn nuôi gà với số lượng trên 200 con và nuôi cá. Nhưng do chưa được tập huấn tìm hiểu về quy trình chăn nuôi nên bước đầu Thưởng gặp rất nhiều khó khăn và thất thoát nhiều, hiệu quả chưa cao.
Không nản chí, Thưởng tiếp tục nuôi đợt 2, rồi đợt 3,… May mắn anh được giới thiệu tham gia vào tổ chức Đoàn - Hội và thường xuyên hỗ trợ về tinh thần, giúp tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang. Từ đây, anh được đưa đi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi nên anh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Anh Thưởng đã bước đầu thành công với mô hình chăn nuôi và mang lại hiệu quả cao với quy mô nhỏ khoảng 500 con.
Từ lợi nhuận của đàn gà đầu tiên, anh mở rộng thêm quy mô lên 5.000 con mỗi năm xuất bán 2 lần trừ các chi phí lợi nhuận còn lại khoảng 100 triệu đồng/năm. Từ đó tình hình kinh tế của gia đình ngày càng ổn định, bền vững. Từ khi tiếp nhận được vốn vay, anh đã mạnh dạn thực hiện mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi trong gia đình. Tiết kiệm được ít vốn, lại được mạnh thường quân và Đoàn phường hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố. Qua đó anh và gia đình an tâm sinh sống và phát triển kinh tế, góp phát triển kinh tế địa phương.
Anh Y Phăng Mlô cũng là tấm gương về nghị lực sống, vượt lên số phận và làm giàu từ mảnh đất quê hương. Anh là người dân tộc Ê đê, sinh năm 1991 tại xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Năm lên 2 tuổi, Y Phăng Mlô bị bệnh nên phải tiêm thuốc. Do điều kiện khó khăn nên chất lượng y tế không được đảm bảo. Sau khi tiêm, anh bị đứt dây thần kinh dẫn đến bị liệt một chân vĩnh viễn và cũng từ đó, chiếc xe lăn hay cái nạng luôn là người bạn đồng hành.
Câu chuyện khởi nghiệp với người bình thường đã khó, với những người khuyết tật lại càng khó hơn. Thế nhưng, với anh, mỗi khó khăn là một bài học, mỗi lần vấp là để trưởng thành hơn. Nhận thấy nhu cầu sử dụng chậu cảnh ở địa phương khá lớn, anh đã lên ý tưởng đúc chậu xi măng để bán.
Sau nhiều lần mày mò, làm đi làm lại, anh đã tạo ra được những sản phẩm khá bắt mắt. Với bản tính cần cù, anh tự tìm tòi sáng tạo được khoảng trên 20 kiểu dáng từ chậu cảnh đến bàn ghế. Thậm chí, trong những đợt cao điểm, khách đặt hàng số lượng lớn hay những sản phẩm có kích thước lớn, anh phải thuê thêm người phụ giúp. Bình quân mỗi năm, anh bán ra thị trường hàng trăm chậu cảnh các loại, sau khi trừ hết chi phí đầu tư cũng mang lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể.