(GDTĐ) - Nằm ở cửa ngõ phía Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống với những giá trị văn hóa dân gian, tín ngưỡng cùng nét ẩm thực đặc sắc luôn được bảo tồn phát triển.
Đến Hà Tĩnh du khách có thể khám phá, trải nghiệm các loại hình du lịch về lịch sử - văn hóa, sinh thái, biển đảo, nghỉ dưỡng. Trong đó không thể không kể tới du lịch tâm linh.
Chùa Hương Tích - ngôi chùa cổ kính, linh thiêng
Chùa Hương Tích nằm trên dãy núi Hồng Lĩnh là một trong 21 thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của nước Nam xưa, cách trung tâm Thành phố Hà Tĩnh khoảng 20 km. Nơi đây không chỉ thu hút khách du lịch bằng vẻ đẹp thiên nhiên say đắm lòng người, chùa Hương Tích còn là chốn linh thiêng, nơi tìm lại sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn.
Nằm ở độ cao 650 m so với mặt nước biển, chùa Hương Tích toạ tại lưng chừng đỉnh Hương Tích, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Chùa có tên gọi đầy đủ là Hương Tích Cổ Tự, dân gian cũng gọi đây là chùa Thơm. Chùa Hương Tích theo hệ phái Phật giáo Bắc Tông, thờ Quan Âm Bồ Tát.
Chùa Hương Tích là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Tương truyền chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII vào thời nhà Trần.
Chùa Hương Tích gắn với sự tích công chúa Diệu Thiện - con gái vua Trang Vương nước Sở tu hành hóa Phật.
Truyền thuyết kể lại, khi biết vua cha có ý gả cho viên quan võ độc ác, Diệu Thiện đã tìm đến quy y cửa Phật. Nàng được Phật che chở, cứu thoát trong trận hỏa hoạn, dừng chân ở động Hương Tích lập am tu hành tại đây. Sau này, khi nghe cha bị bệnh, nàng đã hiến dâng cả tròng mắt và bàn tay để cứu cha. Đức Phật cảm động đã hóa phép cho đôi mắt Diệu Thiện sáng lại, tay mọc lại. Nàng tu hành đắc đạo, hóa thành Phật Quan Âm ngàn mắt, ngàn tay.
Cũng có truyền thuyết cho rằng công chúa Diệu Thiện được Thần Hổ linh thiêng che chở đến núi Hồng Lĩnh lập am, tu hành và hóa Phật.
Chùa Hương Tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là di tích Văn hóa - Thắng cảnh cấp quốc gia năm 1990.
Từ trung tâm Thành phố Hà Tĩnh, du khách có thể đi ô tô, xe máy đến chùa Hương Tích.
Tại bãi dừng có dịch vụ xe điện đưa du khách đến chân núi Hồng Lĩnh. Từ đây, du khách có thể chọn các cách lên chùa như: đi bộ theo triền núi đến miếu Linh Sơn, đi khoảng 3 km sẽ đến chùa chính; hoặc có thể đi cáp treo lên thẳng đền Thượng; hoặc du khách cũng có thể lựa chọn phương án đi thuyền ngắm cảnh dọc đường, kết hợp đi bộ hoặc cáp treo để lên tới chùa chính.
Cung đường dẫn lên chùa được tạo bậc dốc thoai thoải giữa một vùng đại ngàn hùng vĩ. Quần thể di tích văn hóa tôn giáo chùa Hương Tích đã được xếp hạng gồm nhiều các công trình, hạng mục. Ngoài thờ Phật, nơi đây còn thờ các vị thần trong tín ngưỡng văn hóa của người Việt.
Hiện ở cung Tam Bảo trong chùa Hương Tích đặt 54 pho tượng Phật cổ được làm bằng gỗ quý hiếm có lịch sử hàng nghìn năm. Các bậc đá, nền đá của chùa lưu dấu tích rêu phong.
Từ trên đỉnh Hương Tích phóng tầm mắt nhìn không gian xung quanh, khung cảnh vẫn mang nhiều nét hoang sơ, xanh ngát một vùng. Đứng giữa không gian tĩnh lặng linh thiêng, mờ ảo trong làn sương khói nơi đây, tâm hồn của mỗi người đều trở nên thư thái, bình yên sau những bộn bề, lo toan của cuộc sống.
Mỗi dịp đầu Xuân, chùa Hương Tích mở hội, chính hội là ngày 18/2 âm lịch kéo dài đến hết tháng Ba âm lịch. Hàng năm, lễ hội chùa Hương Tích thu hút hàng vạn du khách hành hương, trẩy hội, lễ Phật, khám phá nét đẹp của chùa.
Nhiều điểm du lịch tâm linh, tưởng niệm thu hút du khách
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh Trần Lê Sáng cho biết, ngoài chùa Hương Tích, Hà Tĩnh còn nhiều điểm đến du lịch tâm linh luôn thu hút đông du khách, tiêu biểu như: Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích cách mạng Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Lý Tự Trọng, Ngã ba Đồng Lộc, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông; đền Chợ Củi, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Lê Khôi, đền Võ Miếu, chùa Thiên Tượng, chùa Hang…
Theo ông Sáng: trước khi thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Việt Nam mở cửa đón khách trở lại từ 15/3/2022, những điểm du lịch tâm linh như chùa Hương Tích, chùa Hang, đền Củi (đền thờ ông Hoàng Mười), đền bà Nguyễn Thị Bích Châu, khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, ngã ba Đồng Lộc… hàng năm luôn thu hút rất đông du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, hành lễ, dâng hương, tưởng niệm, tạo điểm nhấn cho du lịch Hà Tĩnh. Khi khách ra về cũng sẽ có những món quà lưu niệm mang đậm dấu ấn điểm đến nói riêng và Hà Tĩnh nói chung.
Để phục vụ tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về du lịch tâm linh của du khách khi đến với Hà Tĩnh. Trong thời gian qua, các điểm đến du lịch, tâm linh, tưởng niệm đã có sự quan tâm, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng.
Nổi bật là diện mạo của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh chùa Hương Tích ngày càng đổi thay, nhưng các giá trị di sản văn hóa vẫn được bảo tồn, lưu giữ và phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: công trình Am Thánh Mẫu, nhà Tam Thế Phật, quần thể kiến trúc chùa tại Nền Trang Vương… dự án nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, dự án nâng cấp hạ tầng và cải thiện môi trường khu du lịch chùa Hương Tích (thuộc Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng) đã hoàn thiện cơ bản hạ tầng, cơ sở thiết yếu Khu du lịch. Các loại hình dịch vụ cũng được đầu tư đưa vào khai thác như hệ thống cáp treo, thuyền máy, xe điện, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ khách du lịch.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh (HIDT) Đỗ Trọng Khoa cho biết, từ năm 2010 Công ty HIDT đã đầu tư và xây dựng tuyến cáp treo, và công trình bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2012.
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động, HIDT luôn chú trọng về công tác tuyên truyền, quảng bá, chú trọng đảm bảo an toàn cho du khách, vệ sinh môi trường, bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý, phục vụ của cán bộ, nhân viên. “Kể từ khi hệ thống cáp treo đi vào hoạt động, hàng năm có từ 75% - 80% khách tham quan chùa Hương Tích sử dụng cáp treo. Hệ thống cáp treo không chỉ giúp cho du khách di chuyển thuận lợi mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động là người dân địa phương ”, ông Khoa cho hay.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ và Du lịch Thành Sen Nguyễn Tiến Trình chia sẻ: "Trong thời gian qua, các Công ty du lịch ở Hà Tĩnh và các tỉnh, Thành phố phía Bắc, trong đó có Công ty Lữ hành Thành Sen đã chú trọng xây dựng các tour du lịch tâm linh về Hà Tĩnh.
Thành Sen đã đầu tư Trung tâm điều hành và hỗ trợ dịch vụ du lịch chùa Hương Tích để đón và hỗ trợ khách, giới thiệu cho khách hiểu sâu về nét đẹp, những giá trị của chùa Hương Tích.
Thành Sen cũng đã xây dựng nhiều chương trình du lịch đa dạng về du lịch tâm linh ở Hà Tĩnh. Du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm những điểm du lịch tâm linh, khu lịch sinh thái, các di tích, danh thắng nổi tiếng của Hà Tĩnh và thưởng thực nét ẩm thực độc đáo, mang đậm hương vị của Hà Tĩnh".