Lãnh đạo UBND TP. Huế cho biết, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát triển làng nghề đúc đồng truyền thống Huế luôn nhận sự quan tâm của các cấp chính quyền. Các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, hội nghề đúc Huế tại làng nghề đã được hỗ trợ đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào gia công sản phẩm đúc. Sản phẩm đúc đồng Huế cũng được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể.
Theo UBND TP Huế, hiện tại, làng nghề đúc đồng truyền thống Huế có 32 cơ sở sản xuất, trong đó có 1 HTX, 3 công ty, 28 cơ sở. Số lượng lao động thường xuyên theo thống kê năm 2022 khoảng 120 người, doanh thu ước đạt 40 tỷ đồng. Việc giữ gìn, phát triển làng nghề đúc đồng có tuổi đời hàng trăm năm đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, mang lại mức thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Nhiều cơ sở còn có thêm nguồn thu từ việc phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm.
Theo tài liệu lịch sử, nhiều sản phẩm của người thợ đúc đồng phường Phường Đúc khi xưa đã trở thành những kiệt tác di sản trong kho tàng văn hóa vật thể kinh thành Huế như: Vạc đồng ở Đại nội, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Cửu đỉnh.... (Trong ảnh: Cửu vị thần công đặt trước Ngọ Môn Huế).
Cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu (Đại nội Huế) cũng là sản phẩm được làm nên từ đôi tay các nghệ nhân ở làng nghề đúc đồng Huế.