Quân đội Hàn Quốc cho biết "phương tiện phóng" của Triều Tiên biến mất khỏi radar trước khi đến điểm rơi dự kiến và nhiều khả năng đã phát nổ trong không trung.
Trước đó, Triều Tiên cho biết họ sẽ phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên trong khoảng thời gian từ ngày 31-5 đến ngày 11-6 để tăng cường giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ.
Trong dữ liệu cung cấp cho các cơ quan quốc tế, Triều Tiên cho biết vụ phóng sẽ hướng tên lửa về phía Nam, với nhiều giai đoạn khác nhau và các mảnh vỡ dự kiến rơi xuống Hoàng Hải và Thái Bình Dương.
Vụ phóng đã khiến Hàn Quốc và Nhật Bản bật cảnh báo khẩn cấp và sơ tán ở một số vùng nhưng sau đó cảnh báo được rút lại mà không ghi nhận nguy hiểm hoặc thiệt hại nào.
Các nhà phân tích cho biết Triều Tiên trước đây đã thử 5 lần phóng vệ tinh, trong đó có 2 vệ tinh được đưa vào quỹ đạo, bao gồm cả lần phóng gần đây nhất vào năm 2016. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nước này chưa có khả năng chế tạo các vệ tinh hoạt động hiệu quả.
Ông Brian Weeden thuộc Tổ chức Thế giới An toàn (Mỹ) về an ninh và chính sách không gian cho biết: "Theo tất cả hiểu biết của chúng tôi, Triều Tiên có năng lực chế tạo vệ tinh rất hạn chế. Họ đã phóng một vài vệ tinh trước đó nhưng tất cả đều thất bại ngay sau khi phóng hoặc không lâu sau đó và không có vệ tinh nào có khả năng đáng kể".
Trước vụ phóng hôm 31-5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bất kỳ vụ phóng nào của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo sẽ vi phạm nhiều nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.