Tại hội nghị “Đổi mới công tác đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT” do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 1/12 vừa qua, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, việc cấp giấy chuyển tuyến hiện còn phiền hà, có nơi còn xin cho, thậm chí tiêu cực.
“Quỹ BHYT mỗi năm thu hơn 111.000 tỷ đồng nên phải “liệu cơm gắp mắm” để chi, không chi được tất cả theo mong muốn của người dân như khám chữa bệnh theo yêu cầu, chỉ định thuốc ngoài phạm vi thanh toán… Bên cạnh đó, hiện nay quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính, chưa thuận lợi khi người bệnh đi khám tại cơ sở khác ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh”, bà Trang nói.
Xử nghiêm nếu gây khó khăn cho bệnh nhân chuyển tuyến
Năm 2016, Việt Nam bắt đầu thông tuyến khám chữa bệnh giữa tuyến xã và tuyến huyện; năm 2021 thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với khám chữa bệnh nội trú. Kể từ đó, tình trạng khám trái tuyến tăng, số lượt khám chữa bệnh tại y tế cơ sở tuyến xã giảm đáng kể. Hiện, cả nước có gần 10.000 trạm y tế xã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, theo thống kê, số lượng khám chữa bệnh giảm hơn 14%, từ 28% năm 2016 xuống còn 14% vào năm 2022. Vụ trưởng Vụ BHYT khẳng định: “Với điều kiện hiện nay, không thể thông tuyến đến tuyến trung ương và bỏ quy định về chuyển tuyến. Lý do sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và xáo trộn cả hệ thống khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối quỹ BHYT. Việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh”.
Theo ông Đào Nguyên Minh, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng và Chỉ đạo tuyến, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tại một cuộc họp mới đây, 100% các đơn vị tham gia thống nhất cần phải giữ giấy chuyển viện, chuyển tuyến với lý do: Nếu bỏ giấy chuyển viện, chuyển tuyến để bệnh nhân tự đăng ký, tự di chuyển lên tuyến trên sẽ gây tình trạng quá tải bệnh viện ở tuyến trên; tuyến trên sẽ không thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân dẫn đến không quản lý được người bệnh; giấy chuyển viện, chuyển tuyến liên quan đến quy chế quản lý chi phí của các cơ sở khám, chữa bệnh như quỹ BHYT, nếu không sẽ khó quản lý chi phí khám, chữa bệnh… Cuộc họp thống nhất sẽ dần chuyển đổi số giấy chuyển viện, chuyển tuyến nhưng theo lộ trình, phù hợp với sự phát triển cơ sở hạ tầng chuyển đổi số của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội.
Bà Trần Thị Trang cho rằng, hiện nay, cùng một bệnh nhưng tuyến xã, huyện điều trị chưa được cấp thuốc tốt nhất, mới nhất. Đây là một thách thức. Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư 20, cập nhật danh mục thuốc BHYT, đồng thời chỉ đạo đầu tư các kỹ thuật tuyến dưới có thể thực hiện. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kiến nghị cho y tế cơ sở đi trước thực hiện vấn đề này.
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Y tế đang xúc tiến chuẩn bị phối hợp với Bộ Công an để ứng dụng các giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại vào hệ thống VssID, VNelD. Khi đó, người bệnh chỉ cần trình điện thoại, mã BHYT, mã giấy chuyển tuyến, khi đến bất cứ cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên được chuyển đến là có thể khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, thay vì quy định bệnh nặng được chuyển lên tuyến trên thì quy định trách nhiệm của bệnh viện, nếu như yêu cầu chuyên môn bắt buộc phải chuyển tuyến thì cơ sở y tế tuyến dưới phải có trách nhiệm chuyển người bệnh lên tuyến trên chứ không phải cơ chế xin cho. Nếu như vì yêu cầu chuyên môn mà không chuyển viện, ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích của người bệnh, thậm chí có thể gây tai biến cho người bệnh thì cơ sở phải chịu trách nhiệm.
Hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu dùng giấy chuyển tuyến điện tử và hồ sơ khám chữa bệnh điện tử để giảm thủ tục hành chính. Đồng thời, Bộ cấm các hành vi gây khó khăn cho người dân trong việc làm các thủ tục chuyển viện, chuyển tuyến và tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động này, nếu phát hiện vi phạm sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.