Một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Nam Hải chỉ ra là do căng thẳng chính trị trên thế giới đã đẩy chi phí vận chuyển tăng cao khi hàng hóa phải vận chuyển đường vòng. Trong khi đó, hơn 50% sản lượng cà phê của Việt Nam được xuất khẩu sang châu Âu.
Tuy nhiên, ông Hải cũng nhận định, giá cà phê cao còn do yếu tố đầu cơ chứ không hoàn toàn là hàng thực. “Trên sàn giao dịch, khi có nhiều người mua thì sẽ dẫn đến nguy cơ hàng ảo nhiều vì qua nhiều công đoạn và thương lái khác nhau. Trong khi đó, giá cà phê phụ thuộc vào 2 sàn giao dịch gồm: Robusta phụ thuộc vào sàn London, còn Arabica thì phụ thuộc vào sàn New York”, ông Hải giải thích.
Trong khi đó, nhận định về giá cà phê trong nước tăng vượt qua dự báo của nhiều người, chuyên gia Nguyễn Quang Bình cảnh báo tình trạng này có thể gây ra nhiều rủi ro và căng thẳng trong ngành cà phê, khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với sự khan hiếm nguồn cung và áp lực tài chính.
Còn theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cà phê tăng cao sẽ có 2 mặt cả tích cực và tiêu cực. Tích cực là người tích trữ cà phê sẽ có lợi. Còn mặt tiêu cực là thuộc về các nhà chế biến và xuất khẩu. Ví dụ, có những hợp đồng trước đó có thể được ký với giá thấp. Nhưng hiện nay giá cao và nguồn cung ít nên việc thu mua, xuất khẩu rất vất vả và lợi nhuận thấp.
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 tăng 98 USD/tấn, ở mức 4.225 USD/tấn, giao tháng 7/2024 giảm 16 USD/tấn, ở mức 4.117 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 giảm 5,8 cent/lb, ở mức 221,85 cent/lb, giao tháng 9/2024 giảm 5,65 cent/lb, ở mức 220,1 cent/lb.
Giá cà phê sàn London diễn biến trái chiều, trong khi Arabica giảm. Cà phê sàn New York giảm do mua khống quá nhiều trước đó