Còn về chữ "phèo", Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cho ba nghĩa của "phèo" như sau:
1. Ruột non. Phèo lợn, đâm lòi phèo.
2. Nói về cái gì bụng nhụng bầy nhầy lòi ra, tuôn ra nhiều: Giẫm phải con cóc phèo ruột ra.
3. Thoảng qua rồi hết nhẵn. Lửa cháy phèo. Gió thổi phèo.
Như vậy chúng ta thấy, nghĩa thứ nhất và thứ hai là phù hợp với "phèo" trong "tùng phèo". Tuy nhiên nếu để ý các từ đi với chữ "tùng" ở đoạn trên, chúng ta sẽ thấy chúng đều có cấu trúc "tùng + danh từ". Do đó "phèo" ở đây cần là một danh từ. Vì vậy nghĩa thứ nhất (ruột non) phù hợp hơn. Đây cũng chính là "phèo" trong "tim gan phèo phổi".
Từ những phân tích trên, chúng ta thấy "tùng phèo" là "mớ ruột non gộp lại", nghĩa bóng là những thứ bầy nhầy, xáo trộn. Người ta dùng "lộn tùng phèo" để chỉ sự hỗn loạn hẳn là vì thế. Điều này khá hợp lí vì trong tiếng Việt có cụm từ "tức lộn ruột", tuy nghĩa khác nhưng được xây dựng trên hình ảnh tương tự.
Tóm lại, "lộn tùng phèo" là "lộn mớ ruột non", nghĩa bóng chỉ sự mịt mờ, rối rắm, hỗn độn.
Nguồn: Tiếng Việt giàu đẹp