Từng có thời gian là Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Trương Văn Phước cho rằng để thị trường vận hành một cách ổn định, bền vững nhất thì phải coi vàng là một loại hàng hóa, tài sản bình đẳng như các loại tài sản khác.
“Theo quy định của pháp luật, vàng miếng là một cấu thành trên thị trường ngoại hối của Nhà nước, cho nên việc chúng ta cho nhập vàng chỉ là hoán đổi dạng thức của thị trường ngoại hối mà thôi”, ông Phước nói.
Bối cảnh ra đời của Nghị định 24 là thị trường vàng lộn xộn, lỏng lẻo, đã kích thích nhu cầu tích trữ vàng trong dân, biến vàng thành một công cụ thanh toán đến mức "vàng hóa nền kinh tế". Hậu quả là một lượng lớn ngoại tệ không thể trở thành vốn của nền kinh tế mà chảy ra nước ngoài để nhập vàng về tích trữ, nằm chết trong dân.
Vậy nên, giải pháp được đưa ra là Ngân hàng Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng, sản xuất vàng miếng thông qua thương hiệu SJC. Nguồn cung chính ngạch duy nhất là thông qua đấu thầu vàng miếng, cơ quan quản lý cung hàng vào thị trường.
Nhưng theo ông Phước, nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước không đấu thầu vàng miếng, trong khi nhu cầu của người dân về vàng nói chung, trong đó có vàng miếng thương hiệu SJC thì vẫn có và dần tích tụ theo năm tháng. Vậy nên giá vàng trong nước chỉ có tăng, và ngày càng kéo dài khoảng cách với giá vàng thế giới, mà có thời điểm chênh tới 20 triệu đồng/lượng.
Sửa Nghị định 24 nên tính tới mô hình giao dịch vàng quốc gia
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng chia sẻ quan điểm của ông Phước về nhu cầu sửa Nghị định 24.
Ông dẫn số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), rằng nhu cầu thị trường trong nước có thể tới 55 tấn mỗi năm, để thấy khối lượng trúng thầu 3.400 lượng vàng trong phiên hôm qua (23-4), hay tổng khối lượng 16.800 lượng vàng miếng SJC mà Ngân hàng Nhà nước công bố sẵn sàng đấu thầu là rất khiêm tốn.
Như thế, để xóa bỏ chênh lệch phi lý giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cần biện pháp thương mại, không phải là biện pháp tiền tệ như đấu giá vàng miếng.
Đơn giản nhất là cho phép công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện được xuất và nhập khẩu vàng. Chính phủ muốn khuyến khích hay hạn chế thì dùng công cụ thuế, đồng thời quản lý thị trường chặt chẽ bằng hóa đơn điện tử cho mọi hoạt động mua bán vàng.
Khi trở lại với các nguyên tắc thị trường như vậy, ông Nghĩa cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp với tư cách lúc là người bán, lúc là người mua, vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, khi cho phép vàng trở lại với tư cách hàng hóa thì Chính phủ nên tính tới giải pháp thành lập sàn giao dịch vàng. Trên sàn giao dịch vàng đó, tất cả các sản phẩm vàng đều được chuẩn hóa và công khai, liên thông chặt chẽ với thế giới, biến động theo thời gian thực.
"Khi đó các vấn đề hiện tại của thị trường vàng sẽ được giải quyết", TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng thị trường vàng trong nước và thế giới chưa có sự liên thông đáng kể. Vậy nên, giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với bên ngoài, chủ yếu do yếu tố cung - cầu.
“Lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, cùng sự kém hấp dẫn của các thị trường tài sản khác cũng khiến các nhà đầu tư chuyển sang vàng để đầu tư cũng khiến nhu cầu tăng cao. Nhưng nguồn cung vàng trong nước lại rất hạn chế, điều này lý giải vì sao giá vàng trong nước đang tăng mạnh trong thời gian qua”, ông Hùng nói.
Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB cho rằng Chính phủ nên coi việc quản lý vàng tương tự như một công cụ tiền tệ và sản phẩm tài chính để đầu tư, đồng thời cũng là hàng hóa cơ bản.
Ngân hàng Nhà nước độc quyền cung ứng dưới hình thức đấu thầu vàng miếng như Nghị định 24 hiện nay chỉ nên coi là bước đệm, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để giải quyết hài hòa các yếu tố này.