Thế mới thấy, “thây ma” Messi đã đi chặng đường dài như thế nào để đến được đây, dù phải lê những bước nặng nhọc năm 2010. Một El Pulga gục ngã trong nước mắt và muốn buông xuôi năm 2016, cũng gượng dậy để tiếp tục học làm người soi lối.
Khoảng cách từ “cậu chàng đi vệ sinh 20 lần” đến vị chỉ huy đọc nguyên một bài hịch trong phòng thay đồ trước chung kết Copa America 2021, cũng đã bị xóa nhòa bằng rất nhiều đánh đổi.
Trong đó, có cả sự thơ ngây trong tâm hồn. Người nghệ sĩ sân cỏ ngày nào giờ trang bị thêm sát khí của một võ sĩ giác đấu, sẵn sàng tung đòn hủy diệt và ăn mừng trên tàn tích của đối thủ như thực tế khắc nghiệt của bất kỳ đấu trường nào.
Anh học điều đó sau nhiều lít mắt. Anh làm điều đó sau nhiều vết thương chằng chịt của kẻ chiến bại. Và để thấu đạo của kẻ chiến thắng, anh biết đời không còn xứng đáng để ta thơ ngây.
World Cup là đỉnh cao của bóng đá thế giới. Nó hiển nhiên là ước mơ nhưng rất nhiều khi cũng là địa ngục của những ước mơ.
Diego Maradona ký tên đậm nét vào lịch sử với kỳ World Cup xuất chúng năm 1986, nhưng ở những lần khác thì sao? World Cup đầu tiên của ông vào năm 1982 kết thúc trong thất bại. Sau hai tuần bị hành lên hành xuống trên sân ở Tây Ban Nha, chàng trai trẻ “cắm” chiếc giày vào bụng tiền vệ Brazil Batista rồi bị đuổi.
Lần thứ ba của Maradona ở World Cup 1990, dù vẫn xuất sắc theo tiêu chuẩn của bất kỳ ai khác, nhưng hơi thất vọng theo tiêu chuẩn của ông. Để rồi lần cuối cùng vào năm 1994 ở tuổi 33, World Cup kết thúc với Maradona trong sự nhục nhã khi ông bị loại khỏi giải vì dương tính với chất cấm ephedrine sau chiến thắng Nigeria ở vòng bảng.
Hình bóng Maradona tại World Cup 1986 phảng phất trong Messi tại giải đấu năm nay. |
Sau Maradona một thế hệ, Zinedine Zidane cũng có những trải nghiệm tương tự.
Anh lập cú đúp bằng đầu, góp công lớn nhất giúp chủ nhà Pháp vô địch World Cup 1998 ở ngay lần đầu tiên mình tham dự. Nhưng không nhiều người nhớ ở vòng bảng, Zidane cũng bị đuổi khỏi sân trong trận gặp Saudia Arabia vì giẫm chân đối thủ.
Bốn năm sau đó, Zidane bỏ lỡ hai trận đầu tiên của Pháp vì chấn thương ở World Cup 2002. Trở lại ở lượt trận cuối, anh không thể giúp Gà trống Gaulois tránh khỏi thất bại trước Đan Mạch và bị loại sớm.
World Cup 2006 là vũ điệu rực rỡ nhất của con thiên nga vĩ đại, nhưng rồi chiếc thẻ đỏ ở trận chung kết, trong một khoảnh khắc nóng máu vì gia đình bị xúc phạm, cú húc đầu Marco Materazzi khiến Zidane dừng lại ở nấc thang tươi đẹp cuối cùng. Hình ảnh ấy thậm chí được xem là điển hình cho việc một ngôi sao có thể gục ngã trước áp lực cũng như sự khiêu khích.
“Người ngoài hành tinh” Ronaldo từng ghi đến 8 bàn (dù mới trở lại sau chấn thương) ở World Cup 2002, giúp Selecao gắn lên ngực ngôi sao thứ năm. Nhưng sự bùng nổ mãnh liệt đó cũng là đóa hoa đâm chồi từ mảnh đất thương đau 4 năm trước, khi Selecao gục ngã trước Pháp ở Chung kết. Cơn động kinh bí ẩn của anh vào buổi trưa trước trận tranh cúp vàng năm 1998 ấy, càng khiến nỗi buồn thêm dai dẳng.
Có thể thấy, World Cup đã mang những điều tốt đẹp nhất và cả những trải nghiệm tồi tệ nhất đến với họ, từ Maradona đến Zidane rồi Ronaldo de Lima và nhiều người khác nữa.
Có người sướng trước khổ sau, cũng có người đi con đường ngược lại. Đó là lời động viên cho Messi, người rốt cục cũng sắp chạm đến giấc mơ ở World Cup cuối cùng trong sự nghiệp.
Bước ngoặt của Messi ở World Cup năm nay chắc chắn là cú cứa lòng vào lưới Australia, vì đó là bàn thắng đầu tiên ở vòng knock-out Cúp Thế giới trong 5 lần tham dự, là điều mà kỳ phùng địch thủ Cristiano Ronaldo đến nay vẫn chưa làm được.
Trước đây, đó là nhiệm vụ đầy khó khăn dù anh từng nhiều lần tỏa sáng ở thời khắc quyết định cấp CLB, tại El Clasico hay vòng knock-out Champions League. Áp lực ở knock-out World Cup, lại còn với tư cách đội trưởng mang áo số 10 của Argentina, quá khủng khiếp.
Messi đã vượt qua nó, không phải bằng vũ khí vô song vừa tu luyện thành công nào. Anh cho rằng cảm giác yên bình mới tìm được trong màu áo Argentina là kết tinh của nhiều điều dung dị: Sự trưởng thành qua năm tháng, sự điềm tĩnh của một người cha hay thậm chí là chế độ ăn uống nữa.
Mảnh ghép cực kỳ quan trọng khác là sự phù hợp của tập thể Argentina hiện tại. Một tập thể ít ngôi sao hơn nhiều so với các năm 2006, 2010 và 2014, nhưng cực kỳ đồng lòng và hết lòng cho nhau, đặc biệt là cho Messi.
Tầm ảnh hưởng của HLV Lionel Scaloni cũng rất giá trị. Người đồng đội cũ của El Pulga mang lại cảm giác bình tĩnh và đoàn kết hơn hẳn so với Sampaoli năm 2018 và Maradona năm 2010.
Trải nghiệm của các tiền bối, và cả hành trình gần 20 năm qua của Messi chứng minh một điều: Trên chiến địa khắc nghiệt như World Cup, ngay cả khi vô duyên hết lần này đến lần khác, dù bị nhìn nhận là thiếu sót và nhiều năm liền gánh trên vai áp lực nghìn cân… nếu đủ kiên nhẫn và hết lòng tìm cách, hoa sẽ nở.
Ở thời điểm Messi trưởng thành nhất cả về mặt nghề nghiệp lẫn con người, cũng là lúc anh được sát cánh cùng những chiến hữu phù hợp nhất để chinh phục World Cup.
Thời gian đã chứng kiến tất cả những gì Messi làm cho ĐT Argentina, và chúng được đúc kết trong những câu nói đặc biệt sau đây. Đó là dòng tâm sự trực tiếp, phá lệ của một phóng viên nữ khi cô phỏng vấn Messi sau trận Bán kết: “Điều cuối cùng tôi muốn nói với anh không phải là một câu hỏi. Dĩ nhiên khi đã vào chung kết, mọi người dân Argentina đều cầu mong đội tuyển lên ngôi. Nhưng tôi chỉ muốn nói với anh rằng dù kết quả có ra sao, vẫn có một thứ không ai đủ sức xoay chuyển nổi.
Đó là việc anh đã gây được tiếng vang tới tất cả người dân Argentina. Theo tôi điều đó còn quan trọng hơn cả World Cup. Mọi đứa trẻ Argentina đều có chiếc áo của anh cho dù nó có là áo xịn, áo nhái hay áo tự làm. Thực sự, anh đã ghi dấu ấn và gắn bó với cuộc sống của tất cả mọi người.
Tôi rất mong anh khắc ghi những lời này vào tâm can, vì tôi tin những gì anh đã làm cho Argentina còn quý giá hơn cả cúp thế giới. Anh đã có chức vô địch đó rồi. Cám ơn anh, đội trưởng của chúng tôi”.
Hai mắt Messi long lanh khi ngắm nhìn sự chân thành đó. Anh mỉm cười và gật đầu, thay cho một lời hứa cuối cùng.