Vị thế nhà giáo trong công cuộc đổi mới giáo dục

18/11/2022, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vị thế nhà giáo phải được hiểu trên cả hai phương diện là đãi ngộ và trọng thị...

Giáo dục là nhân tố chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế nên việc lập kế hoạch giáo dục phải là một phần thiết yếu của việc lập kế hoạch tổng thể dài hạn, trung hạn, ngắn hạn về phát triển kinh tế và xã hội nhằm cải thiện điều kiện sống ở từng địa phương và quốc gia. UNESCO đã khuyến cáo: “Tất cả kế hoạch ở mỗi giai đoạn đều có dự phòng từ sớm về đào tạo và đào tạo tiếp nối để giáo dục không bị gián đoạn hay đứt gãy”.

Không thể phát triển khu đô thị, khu dân cư mà không đồng bộ việc xây dựng trường học cho học sinh. Thiếu sự đồng bộ này, vô hình trung chính quyền địa phương các cấp đã làm tăng áp lực lên các nhà trường, chính là tăng áp lực lên giáo viên khi phải dạy học sinh trong môi trường giáo dục không đảm bảo với sĩ số/lớp, số lớp quá đông; thiếu nhiều trang thiết bị hay các điều kiện trải nghiệm cho học sinh.

Về sự trọng thị các nhà giáo, trước hết theo tôi, ngành Giáo dục cần chủ động giúp giáo viên tích lũy năng lực cần có để thực hiện chức năng giáo dục khi triển khai đổi mới. Ở nhiều nước họ thường đào tạo lại tất cả viên chức trong ngành trước 3 năm khi bắt đầu triển khai đổi mới giáo dục. Nội dung trọng tâm vẫn là phương pháp giảng dạy mới, môn học mới và nhấn mạnh tới các nguyên lý về tâm lý học tích cực - phát triển hay huấn luyện cảm xúc cho giáo viên.

Chương trình mới đòi hỏi giáo viên cần thay đổi tư duy và các hành vi để chuyển đổi giáo dục. Không phải chỉ xem nội dung sách giáo khoa (SGK) mới có gì khác so với SGK cũ, mà mỗi giáo viên cần hiểu được bản chất đổi mới giáo dục lần này là gì? Thấy và hiểu được cái mới của chương trình là mới về phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh, dạy tích hợp và phân hóa và về cơ chế quản trị nhà trường.

Vì thế, tập huấn cho mọi giáo viên phải trả lời và thực hành được câu hỏi: Vì sao phải làm vậy? và làm như thế nào? Cần tạo động lực cho giáo viên thông qua đào tạo tự thân, với các mức độ tay nghề khó dần: Từ biết nói đúng, sang biết giải thích chính xác, rồi biết minh họa tường minh và tới bước khó nhất là biết truyền cảm hứng để học sinh sáng tạo.

Thiết nghĩ, cuối cùng giải pháp căn cơ chỉ có thể là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có thẩm quyền, tổ chức của nhà giáo, cha mẹ học sinh cũng như các tổ chức văn hóa, thiết chế về học tập - nghiên cứu để xây dựng chính sách giáo dục và xác định các mục tiêu cụ thể của chính sách ấy. Trong đó khâu kiểm tra giám sát của cấp có thẩm quyền là cực kỳ quan trọng. Trên hết vẫn là rất cần cái tâm của nhà giáo và tất cả những ai, tổ chức có liên quan tới giáo dục nước nhà.

Vị thế nhà giáo trong công cuộc đổi mới giáo dục ảnh 2

Ông Đặng Tự Ân trao đổi với giáo viên trong chuyến công tác thực tế. Ảnh: Sỹ Điền

Ba nhà và một đức tính

Mỗi nhà giáo phải tự thay đổi mình, rèn luyện để hướng tới mục tiêu “Ba nhà và Một đức tính”, bao gồm: Nhà giáo dục chuyên nghiệp, Nhà nghiên cứu giáo dục thực tiễn, Nhà văn hóa - xã hội và Đức tính học tập suốt đời cho mỗi nhà giáo.

Một trong những vai trò hàng đầu mà giáo viên phải đảm nhận đó chính là vai trò của một nhà giáo dục. Điều này khẳng định giáo viên chính là nhà giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện sứ mệnh đào tạo và phát triển toàn diện thế hệ tương lai của đất nước bằng năng lực tư duy và năng lực hành động của mình. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên không chỉ nắm vững kiến thức kỹ năng môn học, nắm vững phương pháp dạy học, dạy học phân hóa và dạy học tích hợp mà còn nhập cuộc trọn vẹn vào quá trình giáo dục học sinh.

Vì thế, giáo viên buộc phải có năng lực sư phạm để chủ động trong việc hoàn thành mục tiêu mà chương trình giáo dục đã đặt ra, tức là phải được đào tạo kỹ càng về sư phạm học. Tự giác tham gia các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên về vấn đề của đổi mới giáo dục phổ thông.

Nhà nghiên cứu giáo dục thực tiễn - đây cũng là một trong những vai trò quan trọng của giáo viên trong đổi mới giáo dục. Vai trò của giáo viên trong nhà trường hiện đại đã được mở rộng, không chỉ là nhà sư phạm mà còn là nhà tư vấn, nhà nghiên cứu thực hành ứng dụng trong thực tiễn của nhà trường và còn là người học suốt đời.

Hiện ngày càng có nhiều học sinh gặp phải những khó khăn trong quá trình học tập. Những vấn đề các em gặp phải rất rộng, bao gồm vấn đề khác nhau ngoài xã hội. Đặc điểm nhà trường là một xã hội thu nhỏ, đại diện cho cuộc sống hiện tại. Vì thế, đời sống của mỗi nhà trường, lớp học cũng luôn vận động để chứa đựng nhiều vấn đề tương tự như xã hội.

Hơn nữa, người giáo viên còn có sứ mệnh vinh quang để lan tỏa, thắp sáng lòng nhân ái, tình yêu thương và lòng khát khao trí tuệ, cảm xúc lành mạnh trong mỗi cá nhân và cộng đồng, tức là thực hiện chức năng đạo đức nhân văn trong xã hội. Một môi trường văn hóa lành mạnh sẽ có sự quan tâm và coi trọng mọi ý tưởng trong học tập của học sinh; là động lực mạnh mẽ tạo nên môi trường dạy học tích cực, tạo ra sự hấp dẫn cuốn hút cũng như động lực cho học sinh, làm sinh sôi, nảy nở mạnh mẽ năng lực tự học, năng lực sáng tạo cho các em.

Trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, tri thức nhân loại gia tăng một cách nhanh chóng, việc cập nhật tri thức trong lĩnh vực khoa học chuyên ngành cũng như tri thức ngành nghề càng đòi hỏi người giáo viên học tập không ngừng để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của người học. Việc học tập của giáo viên còn mang ý nghĩa như một năng lực nghề nghiệp bởi giáo dục ngày nay chú trọng việc dạy cho học sinh cách học, trong đó có tự học.

Kinh nghiệm cách học của thầy là nền tảng để có thể thấu hiểu những khó khăn, cản trở học tập của học sinh cũng như ẩn chứa đằng sau các hành vi, biểu hiện học tập bên ngoài của học sinh. Những kinh nghiệm và kỹ năng học tập của thầy là bài học quý để thầy biết cách hướng dẫn cho học sinh học tập suốt đời.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/vi-the-nha-giao-trong-cong-cuoc-doi-moi-giao-duc-post614951.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/vi-the-nha-giao-trong-cong-cuoc-doi-moi-giao-duc-post614951.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị thế nhà giáo trong công cuộc đổi mới giáo dục