Thậm chí, có những nơi còn không có biển cảnh báo mà chỉ được quây tạm bợ bằng những sợi dây mong manh.
Theo người dân, đã có nhiều trường hợp bị ngã xe tại khu vực này do trời quá tối và không có biển cảnh báo công trình thi công.
Đoạn đường này đã được lát đá vỉa hè, thế nhưng sau một thời gian dài vẫn chưa được hoàn trả mặt bằng. Chị N.T.V, một tiểu thương kinh doanh tại đường Nguyễn Chí Thanh bức xúc cho biết: “Đào lên rồi lại đổ bê tông 2 tuần nay không thấy làm gì. Đá chất lên vỉa hè cũng 2 tuần nay không thấy thi công, cũng không thấy công nhân làm việc gì cả. Thế là họ làm kiểu gì? Lát đá xong cũng bỏ đấy có thấy chát chít gì lại đâu. Thứ Bảy, Chủ nhật cũng chẳng làm, có làm hay không thì phải báo cho người dân là lịch làm thế nào đấy, làm những ngày thế nào để người dân còn biết”.
Tại những đoạn đường chưa được thì công, thì cũng biến thành điểm đỗ xe ô tô và nơi tập kết vật liệu xây dựng chắn ngang vỉa hè.
Thậm chí vỉa hè vừa lát đá xong đã bị ô tô chiếm chọn. Nhiều người dân đặt câu hỏi: Liệu có phải Hà Nội lát đá vỉa hè để làm nơi trông giữ xe ô tô?
Bởi khi vỉa hè phải gánh thêm những chức năng vốn dĩ không thuộc về nó thì đó là lúc sự xuống cấp là điều chắc chắn xảy ra.
Hà Nội liệu còn giữ lời hứa về chất lượng đá vỉa hè có tuổi thọ vài chục năm? Chỉ biết rằng, dưới các bánh xe ô tô, những viên đá vỉa hè được quảng cáo có độ bền vĩnh cửu đang nứt vỡ theo thời gian và theo tiếng thở dài của người dân./.