Con sói cổ đại còn nguyên vẹn được phát hiện trong lớp băng vĩnh cửu ở vùng Siberia, miền Đông nước Nga.
Video: Giải phẫu xác con sói bị “niêm phong” trong băng hơn 44.000 năm (nguồn: Daily Mail)
Các nhà khoa học cho biết, xác con sói đã nằm trong băng hơn 44.000 năm và được bảo quản một cách “đáng kinh ngạc”. Lông, xương, thịt, răng và nội tạng của nó gần như còn nguyên vẹn, Daily Mail hôm 22/6 đưa tin.
Xác con sói được chuyển tới Phòng thí nghiệm Bảo tàng voi Ma mút, thuộc Đại học Liên bang Đông bắc (Nga), để rã đông và nghiên cứu.
Các chuyên gia cho biết, đây là xác con sói có niên đại xa nhất từng được phát hiện. Điều đáng kinh ngạc là nội tạng của nó còn không bị thối rữa.
“Dạ dày của con sói còn nguyên vẹn, không bị thối rữa. Cách đây hàng chục nghìn năm, nó là loài săn mồi đáng sợ và to lớn. Chúng tôi có cơ hội để tìm hiểu xem nó đã ăn những gì”, tiến sĩ Albert Protopopov – người tham gia nghiên cứu xác con sói cổ đại – nói.
Theo Daily Mail, con sói được các nhà khoa học nghiên cứu sống cùng thời với voi ma mút – loài động vật được cho là đã tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 năm. Bộ răng của con sói gây chú ý vì vẫn còn nguyên vẹn và đặc biệt sắc nhọn, dễ gây liên tưởng đến những con chó địa ngục (Hell dog) trong văn hóa dân gian phương Tây.
“Chúng tôi đã nhổ một chiếc răng hàm để xác định tuổi của nó”, ông Maxim Cheprasov – trưởng Phòng thí nghiệm Bảo tàng voi Ma mút – nói.
“Dựa trên độ mòn của răng, chúng ta có thể nói rằng đây là một con sói đực đã trưởng thành”, ông Cheprasov nói thêm.
Giáo sư Artemy Goncharov – trưởng phòng thí nghiệm tại Viện Y học Thực nghiệm (Nga) – cho biết, việc nghiên cứu xác động vật cổ đại có ý nghĩa lớn đối với ngành y tế hiện đại.
“Chúng tôi phát hiện rằng một số vi sinh vật có thể sống trong xác động vật từ cách đây hàng nghìn năm. Chúng như là ‘nhân chứng’ cho thời kỳ đó”, ông Goncharov nói.
Theo ông Goncharov, kết quả nghiên cứu thuận lợi có thể giúp các nhà khoa học phát hiện một số loài vi sinh vật cổ đại có ích trong ngành y học và công nghệ sinh học.
“Vì vậy, những nghiên cứu này có ảnh hưởng đặc biệt đến tương lai”, ông Goncharov nói.